Gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ngày 23/11/2022, Bộ Tài chính tổ chức cuộc làm việc với các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự cuộc làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Về phía các doanh nghiệp tham dự có đại diện 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán vừa trải qua một thời kỳ sụt giảm mạnh, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu, cổ phiếu xuống thấp.
“Chúng ta đã dành nhiều công sức để tạo dựng nên một thị trường vốn nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong năm 2022, từ sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC, Ngân hàng SCB... đến nay khiến thị trường liên tục chao đảo." - Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, để tập trung hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu nhằm mục tiêu giải quyết khó khăn và nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Hiện nay, triển vọng về kinh tế Việt Nam vẫn được các định chế tài chính đánh giá rất cao, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 8%; CPI dưới 4%; bội chi ngân sách dưới 4%... Có thể thấy, kinh tế vĩ mô thời điểm này vẫn tăng trưởng tốt, nhưng nếu không có biện pháp gì để thúc đẩy thị trường chứng khoán, đặc biệt là thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì sẽ rất khó khăn trong tương lai.
Bộ trưởng cho rằng, là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, tuy vậy, thị trường chứng khoán vừa rồi suy giảm, riêng chỉ số VN-Index mất 600 điểm, tương đương giảm 38% so với đầu năm 2022. Trên thực tế, nhiều cổ phiếu mất tới 70% giá trị và vấn đề thanh khoản rất hạn chế.
Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ và tín dụng diễn biến rất phức tạp, đặc biệt lãi suất liên tục tăng cao, lãi suất huy động trên 10%/năm. Như vậy, có thể thấy nguồn tín dụng bị thắt chặt. Còn đối với thị trường bất động sản, sau thời gian tăng trưởng nóng thì hiện đã chững lại do thiếu vốn, cũng như niềm tin của thị trường suy giảm…
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp được xác định là một công cụ quan trọng của thị trường vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong vấn đề phát hành bị xử lý hình sự, gây ra tâm lý hoang mang, dẫn đến nhà đầu tư ồ ạt rút tiền, doanh nghiệp gặp khó khăn.
Vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc mong muốn, các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành cùng trao đổi tìm ra giải pháp nhằm giúp thị trường chứng khoán quay ổn định trở lại, tiếp tục phát triển, cũng như tìm ra giải pháp để củng cố niềm tin cho trị trường trái phiếu và tăng cường tính thanh khoản.
“Chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến của các doanh nghiệp, vì không ai hiểu về thị trường và các khó khăn vướng mắc hơn chính các doanh nghiệp đang có mặt ở đây." - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Tài chính khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường, công ty chứng khoán cũng như các doanh nghiệp nêu ra những khó khăn vướng mắc liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, thanh khoản cũng như khó khăn về mặt pháp lý.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và có cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm củng cố niềm tin của thị trường, đưa thị trường tiếp tục phát triển bền vững.