Chuyên gia đề xuất xây dựng khung pháp lý để xuất khẩu điện xanh
Theo Viện Khoa học và môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), một số nước Đông Nam Á đã bày tỏ quan tâm đến việc mua năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào năng lượng tái tạo trong những năm gần đây, trong đó, tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 78,4GW vào năm 2021, trở thành hệ thống lớn nhất trong số các quốc gia ASEAN. Trong tương lai, năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam dự kiến đạt 7.000MW vào năm 2030, với mục tiêu vượt 70.000MW vào năm 2050.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII giai đoạn 2021 - 2030 vạch ra lộ trình phát triển mạnh mẽ điện gió ngoài khơi cũng như các năng lượng tái tạo khác, bao gồm năng lượng mặt trời, điện gió trên bờ, thủy điện và sinh khối để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, Quy hoạch điện VIII phải xác định các dự án xuất khẩu điện và phát triển năng lượng tái tạo để đặt mục tiêu xuất khẩu 5.000-10.000MW năng lượng vào năm 2030. Tuy nhiên, đây chỉ là mục tiêu thứ yếu vì trước hết, phải đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định cho nhu cầu trong nước.
Theo ông Đỗ Văn Toán (Viện Khoa học và môi trường, biển và hải đảo), Việt Nam đã được một công ty có trụ sở tại Singapore liên hệ về việc mua 4GW năng lượng tái tạo mỗi năm và một lời đề nghị khác với công suất 10GW từ các công ty ở Malaysia. Những khách hàng tiềm năng này bắt đầu nghiên cứu luật pháp và quy định của Việt Nam về năng lượng tái tạo. Chính vì vậy, bước tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách là tìm ra phần nào và bao nhiêu năng lượng tái tạo sản xuất ra có thể được chỉ định xuất khẩu.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này có thể sẽ gay gắt. Singapore, một khách hàng tiềm năng của năng lượng tái tạo của Việt Nam, đang trong quá trình đánh giá khoảng 20 đề xuất từ những nhà cung cấp khác, bao gồm các công ty từ Australia, Ấn Độ và Campuchia.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu và các tỉnh lân cận như Cà Mau, Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được khai thác trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và công suất điện mặt trời. Về mặt kỹ thuật, 3 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng có thể phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời xuất khẩu với tổng quy mô công suất của 3 tỉnh lên đến khoảng từ 26.000 đến 36.000MW (gồm Cà Mau dự kiến khoảng 4.000 - 10.000MW điện gió ngoài khơi và 1.500 - 6.000MW điện mặt trời; Sóc Trăng dự kiến khoảng 3.500MW điện gió ngoài khơi và 850MW điện mặt trời; Bạc Liêu dự kiến khoảng 10.000MW điện gió ngoài khơi và 6.000MW điện mặt trời). Các dự án này không đấu nối phát điện lên lưới điện quốc gia của Việt Nam mà kéo đường cáp ngầm vượt biển để bán điện trực tiếp sang Singapore.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đã đến lúc cần phải phải xây dựng cơ chế xuất khẩu năng lượng để nắm bắt cơ hội khi nguồn cung được đảm bảo, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện thúc đẩy, hiện thực hóa các dự án xuất khẩu điện, góp phần mang lại lợi ích cho quốc gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên tốt nhất ở Đông Nam Á để phát triển năng lượng gió và mặt trời, với tiềm năng kỹ thuật 1.000GW. Mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty TNHH GreenYellow Smart Solutions Việt Nam (GreenYellow) đã ký một hiệp định vay trị giá 13,8 triệu USD cho các hệ thống quang điện mặt trời áp mái, nhằm giúp tăng nguồn cung năng lượng sạch với giá cả phù hợp cho các khách hàng kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam.
Nhà nghiên cứu kinh tế Nguyễn Hữu Thái Hòa cho biết, Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng để thực hiện và phát triển thị trường năng lượng tái tạo nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện chính sách đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo. Theo ông Hòa, các dự án năng lượng thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn và thường bị coi là có rủi ro cao, do đó, các nhà đầu tư đòi hỏi sự ổn định về chính sách.