Chuyên gia quốc tế khuyến nghị gì về phục hồi và phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam?

Tuấn Phùng (Tổng hợp)

Tại "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” tổ chức ngày 5/12, nhiều nhà quản lý, chuyên gia quốc tế đã có những khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Trình bày Tham luận "Khuyến nghị chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế", ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi bất chấp các đợt dịch COVID-19 bùng phát, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng trong bối cảnh giá đầu vào ngày càng tăng và chuỗi cung ứng gián đoạn. Tiến trình hồi phục này là có lợi cho Việt Nam, tuy nhiên, mức độ phục hồi của các nước phụ thuộc lớn vào tỷ lệ tiêm chủng.

Ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam.
Ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam.

Về chính sách tài khóa, ông Francois Painchaud cho rằng, quy mô các biện pháp hỗ trợ tài khóa ở các nền kinh tế phát triển có thể không áp dụng được ở các quốc gia đang phát triển bao gồm Việt Nam. Cụ thể, các hỗ trợ chính sách cần được tinh chỉnh dựa trên tình hình phát triển kinh tế cũng như diễn tiến dịch bệnh ở từng nước... Đặc biệt ở Việt Nam, khi tiến trình hồi phục đang được triển khai hiệu quả, cần tập trung vào tăng trưởng bền vững, tạo sức chống chịu cao.

Trước khả năng đối mặt với đợt dịch bùng phát lớn hơn và dai dẳng hơn, khiến nền kinh tế gián đoạn nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đặc biệt là ở khu vực phi chính thức, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi cần thiết như: tạo không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; áp dụng biện pháp chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu phục hồi và phát triển của Việt Nam là có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn, cần phục hồi mạnh mẽ, cải thiện khả năng chống chịu trước đại dịch, quyết liệt cải cách cơ cấu và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đưa ra một số khuyến nghị dành cho Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế. Hiện tại, Việt Nam đang làm rất tốt công tác tiêm vắc xin cho người dân với tốc độ bao phủ vắc xin ấn tượng. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam nên cân nhắc khả năng tái xây dựng hệ thống y tế hậu đại dịch.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế, đồng thời phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về danh mục các khoản đầu tư hiện nay. “Quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng một danh mục đầu tư tốt là yếu tố then chốt để quá trình đầu tư vào các hoạt động phục hồi kinh tế diễn ra nhanh chóng”, bà Carolyn Turk chia sẻ.

Liên quan đến tính hiệu quả trong phục hồi kinh tế và đóng góp vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Việt Nam, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nên cân nhắc đến tính hiệu quả không chỉ trong các doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mà còn phải quan tâm đến việc nâng cao tính hiệu quả hoạt động của Chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tính tới việc đầu tư cho các doanh nghiệp, để giúp họ ứng dụng được những công nghệ số mới, nhằm giúp cho Việt Nam giữ được vị thế tiên phong trong mặt trận đổi mới và công nghệ, bởi khu vực tư nhân sẽ là động lực cho quá trình phục hồi và phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên cân nhắc tới tiêu dùng cá nhân, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, cho người dân. Các gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam cho các doanh nghiệp, cá nhân, các hộ gia đình so với khu vực cho tới thời điểm này vẫn còn thấp, cho nên có thể cân nhắc việc gia tăng hỗ trợ. “Chúng tôi tin rằng vẫn còn dư địa tài khóa để làm việc này. Tuy nhiên, để các gói hỗ trợ hiệu quả thì chúng ta cần quy trình thực hiện mạnh mẽ và mục tiêu cụ thể, rõ ràng, bà Carolyn Turk nhấn mạnh. 

Ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, bối cảnh mới đòi hỏi cần có giải pháp mới. Phục hồi sau khủng hoảng là ưu tiên hàng đầu hiện nay, vì vậy, cần hành động nhanh để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời lưu ý, không được bỏ quên mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam. Trong đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhấn mạnh các ngành có giá trị gia tăng cao, phát triển bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh...

Ở một góc nhìn khác, ông Patrick Lenain - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị, điều cần thiết hiện nay là phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng rất cao, càng sớm càng tốt, bao gồm cả việc triển khai tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19. Theo chuyên gia này, việc mua vắc xin thôi chưa đủ mà còn phải tính đến việc phối hợp tốt để phân phối, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, thuyết phục những người còn lưỡng lự đi tiêm chủng.

Đối với các giải pháp hỗ trợ kinh tế vĩ mô, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế nhấn mạnh, cần phải mạnh mẽ và nhanh chóng. So với các nền kinh tế phát triển, việc triển khai các gói hỗ trợ chính sách còn ít và bị trì hoãn ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Điều này dẫn đến sự phục hồi kinh tế thất bại, có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng dài hạn. Trong khi đó, các nền kinh tế thị trường mới nổi triển khai các gói hỗ trợ lớn đã vận hành rất tốt. Chuyên gia này lấy minh chứng từ trường hợp của Malaysia. Theo đó, kể từ khi đại dịch bùng phát, Malaysia đã hai lần nâng trần nợ công, từ 55% GDP lên 65% GDP. Malaysia đã tung ra các gói cứu trợ khổng lồ, có quy mô lên tới hơn 35% GDP, giúp nền kinh tế nước này tiếp tục phát triển.

Ông Patrick Lenain - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế.
Ông Patrick Lenain - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế.

Đề cập đến chi tiêu công, ông Patrick Lenain cho rằng, chi tiêu công nhiều hơn đồng nghĩa với việc nợ nhiều hơn, vì vậy việc lựa chọn các chương trình chi tiêu tốt là điều cần thiết. Chẳng hạn, có thể tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kỹ năng số, để tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận với các công nghệ như thương mại điện tử, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, đầu tư công cũng phải tính tới vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm lượng khí thải carbon. Đầu tư vào giáo dục và phát triển kỹ năng cũng là điều cần thiết. Chẳng hạn, sau đại dịch, Việt Nam sẽ cần ngày càng nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe được trả lương tốt hơn, nhiều chuyên gia kỹ thuật số hơn và nhiều chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng hơn. Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ khó khăn hơn, do các nền kinh tế phát triển đang cố gắng mang dây chuyền sản xuất và việc làm trở lại đất nước của họ, vì vậy, Việt Nam sẽ cần phải tăng cường khả năng cạnh tranh và sự hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Việt Nam có tiềm năng kinh tế rất lớn. Trước đại dịch, thành tựu kinh tế của Việt Nam rất nổi bật, với mức tăng trưởng GDP trung bình gần 7% mỗi năm. Đây là con số rất là cao. Với những cải cách chính sách đúng đắn, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được sự thịnh vượng về kinh tế trong tương lai gần”.

Với cùng niềm tin vào sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler​ cho rằng Việt Nam đang phục hồi từ khủng hoảng COVID-19 và nên tập trung vào thế mạnh của mình, đầu tiên và quan trọng nhất là khả năng sản xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải tập trung vào phát triển công nghệ. Hiện nay, nhiều sản phẩm chất lượng cao đã được sản xuất tại Việt Nam, tuy nhiên, Việt Nam nên tập trung vào năng lực công nghệ của mình. Với đội ngũ lao động tay nghề cao, Việt Nam nên tập trung vào công nghệ và đây chính là tương lai của nền kinh tế đất nước.

Nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler.
Nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler.

Nguyên Phó Thủ tướng Đức cũng khuyến nghị Việt Nam nên giữ tinh thần lạc quan. Trước đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống pháp luật rất tốt. Người dân Việt Nam được biết đến với sự thông minh, chăm chỉ và rất có tinh thần khởi nghiệp. "Từ nền tảng xã hội như vậy, Việt Nam có thể đạt được hầu như tất cả mọi thứ... Tất cả những điều này có thể giúp vượt qua khủng hoảng do đại dịch COVID-19, với sức mạnh và động lực từ những con người Việt Nam", nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler​ nhấn mạnh.