Đâu là yếu tố tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn?

Nhị Hà (T/h)

Tham luận tại Phiên tọa đàm cấp cao - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 sáng 5/12/2021, các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, chuyển đổi số, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo là các yếu tố nền tảng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Quang cảnh phiên Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”.
Quang cảnh phiên Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”.

Xác định rõ “điểm nghẽn” và “vùng trũng” của tăng trưởng

Tham luận tại Phiên toàn thể - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 sáng 5/12, PGS.,TS. Bùi Quang Tuấn - Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, khi đặt vấn đề hỗ trợ cho phục hồi kinh tế cần xác định rõ “điểm nghẽn và “vùng trũng” của tăng trưởng.

Phân tích về tăng trưởng GDP của Việt Nam, ông Bùi Quang Tuấn cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong 3 quý của năm 2021 với mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây, khi chỉ tăng 1,42%. So sánh với hai cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng cho thấy, tác động dịch bệnh COVID-19 mới làm cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức thấp nhất, tức là khủng hoảng xuất phát từ nguyên nhân phi kinh tế đôi khi trầm trọng hơn xuất phát từ nguyên nhân kinh tế.

Dù có một số dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đã phục hồi như: chỉ số sản xuất công nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới, số lao động của tháng 11/2021 tăng so với tháng 10/2021; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, vốn FDI đăng ký mới và số vốn giải ngân tăng..., nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 11/2021 vẫn tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 3,8%.

Ngoài các yếu tố trên, đại diện Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cảnh báo, dù đã triển khai Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, nhưng vấn đề đặt ra với quá trình phục hồi của Việt Nam là chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, chưa bảo đảm độ an toàn.

Chưa kể, với chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện đã xuất hiện ở 38 quốc gia trên thế giới và tiếp tục lây lan, số ca mắc mới của các tỉnh, thành phố trong nước đang tăng lên cũng đe dọa đáng quan ngại với quá trình phục hồi thời gian tới.

Một vấn đề khác là nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, vì nếu chủng mới Omicron xuất hiện sẽ phải triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn - đây sẽ là một thách thức với quá trình phục hồi. “Hiện nay doanh nghiệp cũng đang thiếu nguồn vốn trầm trọng, không còn khả năng thế chấp để có thể tiếp cận nguồn tín dụng. Do vậy, vấn đề cần quan tâm hiện nay là doanh nghiệp đang “thiếu máu”, cần được “bơm máu” sớm”, ông Bùi Quang Tuấn nói.

Bên cạnh những vấn đề ngắn hạn nêu trên, PGS.,TS. Bùi Quang Tuấn cũng nêu bật một số thách thức trong dài hạn khi chỉ số phản ánh chất lượng tăng trưởng như: Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), năng suất tổng hợp, năng suất lao động đều ở “vùng trũng”, nếu so sánh trong khu vực sẽ thấy nguy cơ tụt hậu cục bộ, bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Nhìn nhận ở góc độ khác về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế “đang có vấn đề”, GS.,TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để làm rõ năng lực hấp thụ của nền kinh tế, có hai “chỉ báo” quan trọng là tốc độ giải ngân đầu tư công và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đến nay, giải ngân đầu tư công của nước ta chưa đạt 70% và khó về đích khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2021. Về tín dụng, tốc độ tăng trưởng đến nay mới đạt trên 8% - mức thấp so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế.

Phân tích kỹ hơn, GS.,TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, trong nền kinh tế, hiệu quả đầu tư tốt là khi bỏ ra 1 đồng thì giá trị tạo ra hơn 1 đồng, nhưng hiện tiền vốn chúng ta bỏ ra 100 đồng thì giá trị tạo ra chỉ có 70 - 80 đồng”. Trong đó, nguyên nhân một phần là thất thoát đầu tư vào tiêu dùng, khiến giá tiêu dùng tăng lên, lạm phát tăng, ngoài ra còn do tiền đó đẩy sang đầu cơ, làm cho giá bất động sản, chứng khoán tăng lên...

Từ phân tích trên, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang có vấn đề, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không tăng nguồn đầu tư…

Đâu là các yếu tố tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Bên cạnh những ý kiến trao đổi trên, các chuyên gia cũng gợi ý các yếu tố tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Chia sẻ tại Tọa đàm cấp cao sáng 5/12, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Francois Painchaud cho rằng, Việt Nam có cơ hội rất lớn nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi như đầu tư vào tăng trưởng xanh, số hóa… Đặc biệt, Chính phủ phải hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn.

Thực tế cho thấy, hiện nay, mức độ tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu ở mức độ tương đương các nước khác, nhưng chủ yếu mới ở các công đoạn gia công, lắp ráp, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng cao. Về hiệu suất lao động, các doanh nghiệp FDI rất năng suất nhưng các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân năng suất còn thấp.

Việt Nam vẫn đi sau các nước trong khu vực về vấn đề này. Khẳng định đây là những điểm cần làm rõ, ông Francois Painchaud khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu và cần thực hiện khẩn trương hơn để phục hồi và bứt phá trong thời gian tới.

Chỉ rõ các yếu tố tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn, PGS., TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, các yếu tố gồm chuyển đổi số, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, các yếu tố này mới thực hiện ở phần thể chế, chính sách, chưa có thay đổi cụ thể.

Đồng quan điểm, khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam nêu rõ, Việt Nam cần thu hút đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ cho chuyển đổi số, như đào tạo nguồn nhân lực cũng cần phối hợp đồng bộ trong dài hạn.

Tham dự Diễn đàn từ điểm cầu Thụy Sĩ, nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler cho biết, hiện có hai xu hướng chính mà nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới là phát triển bền vững và số hóa. Bằng việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chúng ta có thể sản xuất nhanh hơn, bền vững hơn; cần chú trọng nâng cấp chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Về công nghệ, nguyên Phó Thủ tướng Đức cho rằng, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp rất trẻ trung, năng động, sáng tạo, song cần chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ.

Ở góc nhìn khác, nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển, tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 từ điểm cầu Thủ đô Paris (Pháp), ông Nguyễn Đức Khương - Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu Trường kinh doanh IPAG (Paris) chỉ rõ, cần phải tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp; đầu tư vào giáo dục và đào tạo; tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp một cách dễ dàng hơn; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, tạo vườn ươm công nghệ…

Theo ông Nguyễn Đức Khương, đổi mới sáng tạo chỉ tốt khi nằm trong hệ sinh thái sáng nghiệp và văn hóa sáng nghiệp. Điều này cho thấy rõ vai trò của việc cần bảo đảm văn hóa, kiến thức về sáng lập doanh nghiệp cho lớp doanh nhân tiếp theo. Do đó, đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan khoa học công nghệ, mà còn liên quan trực tiếp tới thể chế kinh tế, thể chế chính trị, xã hội; có sự đan xen, tác động lẫn nhau…

Tóm lại, từ phân tích, đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể khái quát lại, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn gồm: Chuyển đổi số, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, cần có các chính sách gắn kết các yếu tố này với tăng trưởng kinh tế theo từng giai đoạn, thời kỳ và phù hợp với thực tiễn bối cảnh Việt Nam.