Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng:

Chính sách tài khoá linh hoạt, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Trần Huyền

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã có những điều chỉnh linh hoạt về chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững"..
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững"..

Tại phiên toạ đàm về chủ đề Phối hợp các chính sách tài khoá, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế chiều ngày 5/12 của "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững", Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã chia sẻ khái quát về các chính sách tài khoá trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội từ y tế đến xã hội, giáo dục, các vấn đề an ninh trật tự, môi trường. Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã có những điều chỉnh linh hoạt về chính sách tài khoá cả về thu và chi ngân sách để có nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân. 

Về thu ngân sách nhà nước, đã thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều loại thu, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách nhà nước, tạo thành khoản, giảm bớt khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong thời điểm khó khăn. Các chính sách miễn, giảm, giãn đã tập trung vào ngành hàng, lĩnh vực chịu tổn thương nhiều do tác động của dịch bệnh như: vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, lưu trú, giáo dục, y tế…

Ước tính, số thuế miễn, giảm, giãn trong năm 2020 khoảng 130 nghìn tỷ đồng, trong đó khoản giãn khoảng 100 nghìn tỷ đồng, còn lại là các khoản miễn, giảm. Năm 2021 con số này khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu tiếp tục thực hiện.

Về chi ngân sách, thời gian qua đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về chi ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động, các đối tượng yếu thế như người nghèo, hộ chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội…

Năm 2021, cả trung ương và địa phương đã chi khoảng 76 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó đã sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động tổng khoảng 48 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng quỹ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 38 nghìn tỷ đồng. Nhiều chính sách miễn giảm tiền điện, cước viễn thông, học phí cũng đã được thực hiện ước tính khoảng 40 nghìn tỷ đồng.

Các chính sách đã thực hiện nêu trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là những đối tượng chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Qua đó, tạo nguồn lực ứng phó thành công với dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhấn mạnh, chính sách chi ngân sách nhà nước chưa bao giờ có chính sách hỗ trợ quy mô lớn cả về số tiền và phạm vi đối tượng lớn như vậy.

Liên quan đến câu hỏi về chính sách nào trọng tâm nhất trong chính sách tài khoá cho phục hồi và phát triển kinh tế, Thứ trưởng cho rằng câu trả lời phụ thuộc vào thời điểm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh.

Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát nhanh, lan tràn như ở Bắc Ninh, Bắc Giang tháng 4,5; ở 21 địa phương miền Nam vào tháng 8,9 là lúc sử dụng nhiều công cụ về chi hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, đã xuất cấp hàng dự trữ cho người dân để người dân yên tâm thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường thì lúc đó các chính sách sẽ tập trung vào tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất, khôi phục thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Trong đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc tháo gỡ về thanh khoản tiền mặt, các khoản tín dụng và các chi phí đầu vào khác. Đồng thời, có thể tạo nền tảng phát triển bền vững trong thời gian tới qua chính sách kích cầu đầu tư, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng trong thời gian tới. "Đây là trọng tâm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế Chính phủ đã bàn thảo với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện trình Quốc hội trong thời gian tới." - Thứ trưởng cho biết.