Citigroup - "Trái cây" không bao giờ "chín"?
(Tài chính) Kiếm tiền từ mạng lưới ngân hàng toàn cầu hấp dẫn nhưng cũng đầy khó khăn. Hiện diện ở khắp nơi trên thế giới đang trở thành gánh nặng thay vì thế mạnh đối với Citigroup.
Nội dung nổi bật:
- Citigroup đang nỗ lực tái cơ cấu, thu hẹp hoạt động nhưng tình hình không có nhiều cải thiện. Cổ phiếu của hãng giảm tới 90%. Giá trị vốn hóa hiện thấp hơn cả giá trị sổ sách, cho thấy họ sẽ lời hơn nếu chia tách.
- Quy mô toàn cầu là một gánh nặng thay vì là lợi thế: chi phí hoạt động quá lớn, bị ảnh hưởng nặng bởi khủng hoảng, đối mặt những quy định khắt khe hơn...
William Brady và Howard Sheperd đều đã từng có hơn 30 năm làm việc ở National City Bank trước khi trở thành lãnh đạo vào năm 1948. Nhưng ngay bản thân họ cũng không chắc tập đoàn tài chính ngày càng bành trướng mà sau này trở thành Citigroup kiếm tiền bằng cách nào. George Moore, người sau này lên làm chủ tịch, được bầu làm lãnh đạo của một hội đồng mang tên “Tầm nhìn mới” nhằm khám phá bí ẩn này. Ông kết luận: “Chúng tôi chưa bao giờ thực sự biết lợi nhuận ròng phát sinh từ đâu, nhưng thường hoạt động với giả định chúng tôi nên khuyến khích sự phát triển tối đa của mọi hoạt động kinh doanh, trên phương châm chúng càng tăng trưởng tốt thì chúng tôi càng kiếm được càng nhiều tiền.”
Rõ ràng là dưới ông chủ hiện tại là Michael Corbat, giả định này hoàn toàn đối lập. Tuy nhiên, tìm ra bằng cách nào Citigroup kiếm ra tiền, và phân khúc kinh doanh nào là chủ đạo, đang gây ra khá nhiều tranh cãi. Corbat thừa nhận rằng tổng cộng 60 công ty con trực thuộc tập đoàn đã bị bán đi kể từ khi khủng hoảng nổ ra. Trong số đó có các công ty môi giới ở Mỹ và Nhật, một bộ phận chuyên kinh doanh nợ sinh viên và một vài đơn vị kinh doanh thẻ tín dụng. Mảng dễ nhìn thấy sự thu hẹp nhất là cho vay tiêu dùng: giảm từ 50 nước xuống còn 24, và ở Mỹ giảm từ 14 thành phố xuống còn 7. Tuần trước, Citi vừa công bố bán OneMain Financial - công ty con cung cấp các khoản cho vay tiêu dùng lãi suất cao và bán cả cổ phần ở ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ Akbank.
Bất chấp nỗ lực tái cơ cấu, tình hình của Citi vẫn còn khá ảm đạm. Một phần nguyên nhân là do chính bản thân quá trình tái cơ cấu tỏ ra quá phức tạp và dường như kéo dài vô tận. Theo số liệu của S&P Capital IQ, phần dự phòng cho quá trình tái cơ cấu trong các năm gần đây lần lượt là 148 triệu USD trong quí I năm 2013, 75 triệu USD trong quí II, 133 triệu USD trong quí III, 234 triệu trong quí IV. Trong năm 2014 con số lần lượt là: 211 triệu, 397 triệu, 382 triệu và 655 triệu. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm ngoái đạt 3,4%. Cổ phiếu của hãng giảm tới 90%. Giá trị vốn hóa hiện thấp hơn cả giá trị sổ sách, cho thấy họ sẽ lời hơn nếu chia tách.
Ở thời điểm hiện tại, Citi có mặt ở 101 quốc gia, tiến hành các giao dịch có giá trị lên tới 3.000 tỷ USD mỗi ngày, tài trợ thương mại 600 tỉ USD mỗi năm. Hơn một nửa số tiền gửi đến từ nước ngoài, cao hơn rất nhiều so với bất kì ngân hàng Mỹ nào, theo nghiên cứu của Moebs Services. Hoạt động quốc tế chiếm hơn 60% doanh thu của Citi, trong đó 2/3 là thị trường mới nổi. Ban đầu ngân hàng phục vụ các tập đoàn đa quốc gia và chính phủ cùng quân đội Mỹ. Tuy nhiên, qua quá trình mở rộng cơ sở khách hàng đã tăng trưởng không ngừng.
Hiện diện ở khắp nơi trên thế giới vừa là điểm mạnh nhưng cũng là gánh nặng đối với Citi. Hãy lấy thị trường Trung Quốc làm ví dụ. Thị trường này đã giúp Citi nổi lên vào năm 1930 nhưng lại bị buộc đóng cửa vào năm 1949. Banamex, chi nhánh ở Mexico, cũng là một trong những đơn vị mang lại lợi nhuận cao nhất, mất 360 triệu USD vì gian lận vào năm 2013. Frank Vanderlip, vị CEO đầu tiên chú trọng thị trường quốc tế, suýt "giết chết" ngân hàng này vì mạnh tay đặt cược vào thị trường Nga. Tiếp theo sau đó là Jame Stillman với vụ thử vận may trên thị trường đường và Mitchell là người đẩy ngân hàng vào tình thế phải nhận cứu trợ của chính phủ lần đầu tiên trong lịch sử.
Rủi ro đối với các "ông lớn" đa quốc gia đang ngày càng tăng cao. Án phạt và các cuộc điều tra mà Citi liên quan đến các khoản nợ dưới chuẩn ở Mỹ trước khủng hoảng có vẻ đã lắng xuống, nhưng ngân hàng này vẫn tiếp tục đối mặt với cáo buộc thao túng thị trường tiền tệ, bóp méo lãi suất và rửa tiền. Citi phải chịu trách nhiệm cao hơn không chỉ cho sai phạm của mình mà còn cho cả khách hàng, đồng thời hết sức cảnh giác với các loại tội phạm từ điển hình như gian lận cho đến những đối tượng không lành mạnh, từ trốn thuế cho tới khủng bố nói chung.
Trên hết, các ngân hàng toàn cầu đang phải đối diện với các yêu cầu cao hơn về vốn, kèm theo một loạt các qui định chồng chéo trong các loại văn bản pháp lý. Bản thảo luận mới nhất các qui định của Citi trong lĩnh vực này dài 17 trang. Steve Chubak, chuyên gia phân tích của Nomura Securities, cho rằng yếu tố quan trọng nhất đó là mức 9% vốn chủ sở hữu chung được qui định bởi ngân hàng quốc tế (nhiều hơn gấp 2 lần mức 4% trước khủng hoảng) và nhiều phụ phí áp dụng bởi FED, khiến con số tổng lên đến 11%. Một số qui định khác có thể đang được soạn thảo, ví dụ như “bộ đệm vốn ngược chu kỳ”.
Các qui định này khiến các ngân hàng nhỏ hay các ngân hàng nội địa đơn thuần có lợi thế cạnh tranh hơn khi mà chỉ cần 7% đệm vốn chủ sở hữu, thậm chí Wells Fargo, ngân hàng có vốn thị trường lớn nhất của Mỹ, cũng chỉ cần 10%.
Phản ứng với tất cả các điều này, Citi đang thu hẹp và đơn giản hóa. Lực lượng lao động giảm 1/3 từ năm 2007, từ 375.000 xuống 241.000 và sẽ còn giảm tiếp. Các doanh nghiệp tiêu dùng ở Trung Đông và Mỹ Latinh bị Citi thờ ơ do lo ngại về rửa tiền và khủng bố tài chính luôn cấp thiết.
Nhưng cắt giảm sâu tới đâu là điều khó nói. Đặc biệt, thu hẹp mảng bán lẻ đem đến rất nhiều rủi ro. Ban đầu, Citi định co cụm hoạt động ở Texas trong 2 thành phố Dallas và Houston. Tuy vậy, kèm theo đó là sự sụt giảm lượng khách hàng buộc Citi phải rút khỏi bang hoàn toàn. Các nhà phân tích băn khoăn liệu họ có cần một mạng lưới thích hợp ở ngoại ô Chicago và Boston để bảo toàn việc kinh doanh ở các thành phố này?
Sự thu hẹp hoạt động ở nước ngoài cũng ẩn chứa những nguy cơ tương tự. Hoạt động ở các quốc gia mơ hồ hay nguy hiểm có thể mang lại rất ít hoặc thậm chí không mang lại lợi nhuận. Giới phân tích cho rằng có khả năng Citi đã thu hẹp quá đà. Các mảng như ngân hàng bán lẻ, môi giới và quản lý tài sản cần thời gian để xây dựng nhưng lại cho ta nguồn thu nhập ổn định một khi thiết lập xong. Đó chính là mảng mà Citi đang buông rơi.
Những gì còn sót lại là một ngân hàng "đục" hơn và "dễ bay hơi" hơn. Citi gần đây quá hào hứng trong việc thực hiện các giao dịch rủi ro kiểu như “giao dịch mua”, tức một ngân hàng mua lại một khối lượng lớn cổ phiếu với hi vọng có thể bán chúng thành từng món nhỏ có lời. Dữ liệu mới nhất cho thấy Citi thực hiện các hợp đồng phái sinh với giá trị danh nghĩa lên tới 70 nghìn tỉ USD, lớn hơn rất nhiều lần so với bất kì một ngân hàng thương mại nào.
Citi cho hay họ chỉ đơn giản phục vụ khách hàng, những người muốn tìm kiếm biện pháp phòng vệ trước các biến động trên thị trường hàng hóa và tiền tệ. Tuy nhiên đây chính là công cuộc săn tìm lợi nhuận. Và, làm sao để tìm ra lợi nhuận vẫn là câu hỏi giày vò Citigroup trong suốt hơn 1 thế kỷ qua.