"Nới" quy định đấu thầu để tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp trong thời gian tới, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh quy định tổ chức đấu thầu theo hướng đối với các gói thầu tư vấn định giá có giá trị không quá 3 tỷ đồng thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu để lựa chọn tổ chức tư vấn định giá.

Đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ giúp quá trình tái cơ cấu theo đúng lộ trình. Nguồn: internet
Đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ giúp quá trình tái cơ cấu theo đúng lộ trình. Nguồn: internet

Gói thầu từ 3 tỷ trở xuống được chủ động chỉ định thầu

Theo Nghị định 189/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1 tới đây, việc quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá sẽ thay đổi.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 59/2011/NĐ-CP, trường hợp có từ 2 tổ chức tư vấn định giá thực hiện đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn định giá trở lên, phải tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện tư vấn định giá theo quy định hiện hành.

Theo phản ánh của một số bộ, ngành và doanh nghiệp, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn tổ chức tư vấn định giá cũng là một nguyên nhân làm chậm quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp. Phần lớn các hợp đồng tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp có giá trị không lớn (dưới 100 triệu đồng) nhưng phải tổ chức đấu thầu cũng làm hạn chế quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp.

Đến nay, đối tượng thực hiện cổ phần hoá chủ yếu là doanh nghiệp quy mô lớn, trong đó có các công ty mẹ, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước; theo thống kê chi phí tư vấn cổ phần hóa bình quân các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con trong giai đoạn trước đây vào khoảng 500 triệu đồng, ngoại trừ những trường hợp thuê tư vấn nước ngoài hoặc phải tổ chức xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý đất thuê cơ chế trước đây thì chi phí tư vấn lớn hơn.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp trong thời gian tới, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh quy định này theo hướng đối với các gói thầu tư vấn định giá có giá trị không quá 3 tỷ đồng thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu để lựa chọn tổ chức tư vấn định giá trong danh sách do Bộ Tài chính công bố.

Trường hợp xét thấy cần phải tổ chức đấu thầu thì thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đối với các gói thầu tư vấn không thuộc quy định này thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện tư vấn định giá theo quy định.

Tăng cường trách nhiệm của ban lãnh đạo

Với lộ trình và kế hoạch cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho từng Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Nghị định 189/2013/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm và yêu cầu Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp phải chỉ đạo doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ kế hoạch cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Ban lãnh đạo phải chủ động thực hiện chuẩn bị hồ sơ, tài liệu pháp lý về tài sản của doanh nghiệp (bao gồm cả nhà cửa, đất đai); phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa; kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ tại thời điểm lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.

Đồng thời xây dựng kế hoạch tiến độ cổ phần hóa (bao gồm cả mốc thời gian cho từng bước công việc) trình cơ quan quyết định cổ phần hóa phê duyệt để thực hiện. Trường hợp không thực hiện được tiến độ cổ phần hóa thì Ban lãnh đạo doanh nghiệp được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, đến nay cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.376 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa: 3.659 doanh nghiệp; Chuyển thành Công ty TNHH 1 thành viên : 1.033 doanh nghiệp; Giao doanh nghiệp: 222 doanh nghiệp; Bán doanh nghiệp: 158 doanh nghiệp; Giải thể: 313 doanh nghiệp; Phá sản: 92 doanh nghiệp; Chuyển thành Công ty TNHH 2 thành viên trở lên: 22 doanh nghiệp; Các hình thức khác (sáp nhập, hợp nhất…): 877 doanh nghiệp.

Tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lên tới 561 doanh nghiệp.

Thời hạn điều chỉnh giá trị DN đã công bố tăng lên 18 tháng

Theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP, doanh nghiệp cổ phần hóa được điều chỉnh giá trị doanh nghiệp đã công bố trong trường hợp có những nguyên nhân khách quan (thiên tai, địch họa, chính sách Nhà nước thay đổi hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng khác) làm ảnh hưởng đến giá trị những tài sản của doanh nghiệp hoặc sau 12 tháng kể từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp chưa thực hiện việc bán cổ phần, ngoại trừ các trường hợp đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cổ phần hóa thường có quy mô lớn và phải xử lý các vấn đề về tài chính, đất đai nên việc đảm bảo thời gian 12 tháng là khó. Tại Nghị định 189/2013/NĐ-CP đã quy định điều chỉnh lại thời gian là sau 18 tháng cho phù hợp với tình hình thực tiễn.