Xác định những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính

Hà Anh

Từ ngày 15/3/2017, các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan; Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí; Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý giá; Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kế toán; Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; Các hành vi gian lận thương mại trong việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn được xác định là những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó cũng là nội dung được quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BTC ngày 24/1/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn khoản 2 Điều 9 Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả áp dụng trong lĩnh vực tài chính.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn việc xác định những hành vi được coi là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính để làm cơ sở thực hiện hỗ trợ kinh phí chống buôn lậu, gian lận thương mại và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định tại Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg.

Cụ thể, các nhóm hành vi được xác định là những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính bao gồm:

Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan (chi tiết tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này); Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí (chi tiết tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này);  

Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý giá (chi tiết tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này); Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kế toán (chi tiết tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này);

Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (chi tiết tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này); Các hành vi gian lận thương mại trong việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn (chi tiết tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này).

Thông tư này áp dụng đối với các lực lượng có chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính; Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính theo quy định tại Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11/5/2016 quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Trường hợp các văn bản dẫn chiếu thực hiện theo quy định tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc thì các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.