ThS. Phạm Văn Hiếu - Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính):

Hoàn thiện khung khổ pháp lý để thị trường TPDN phát triển an toàn, bền vững, minh bạch và hiệu quả


Thời gian qua, khung khổ pháp lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã liên tục được hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế, thị trường đã dần hình thành các cấu phần cần thiết để phát triển, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của các DN, tổ chức kinh tế, cũng như nhu cầu đầu tư của thị trường. Tuy nhiên, để thị trường TPDN tiếp tục phát triển an toàn, bền vững, minh bạch và hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý thị trường...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khung pháp lý về phát hành TPDN bắt đầu được hình thành với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 120/NĐ-CP ngày 17/9/1994 kèm theo Quy chế tạm thời về phát hành trái phiếu, cổ phiếu của DN nhà nước (DNNN).

Tiếp đó, căn cứ quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 (quy định quyền của công ty cổ phần được huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu), Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 quy định về phát hành TPDN riêng lẻ.

Đồng thời, Luật Chứng khoán năm 2006 quy định về phát hành trái phiếu ra công chúng (điều kiện phát hành, hồ sơ, quy trình đăng ký chào bán) như đối với phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010 quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ (cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet); quy định việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty không phải công ty đại chúng thực hiện theo Luật DN và quy định của pháp luật có liên quan...

Nhìn chung, khung khổ pháp lý trên thị trường TPDN thời gian qua đã liên tục được hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế, thị trường đã dần hình thành các cấu phần cần thiết để phát triển, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của các DN, tổ chức kinh tế.

Tuy nhiên, để thị trường TPDN tiếp tục phát triển an toàn, bền vững, minh bạch và hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý thị trường. Cụ thể:

Một là, rà soát, đánh giá việc triển khai, thực hiện các quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn để nghiên cứu, sửa đổi, khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh đối với quy định về chào bán, giao dịch TPDN và việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi giao dịch chứng khoán riêng lẻ.

Hai là, phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường như DN xếp hạng tín nhiệm, tổ chức định giá trái phiếu, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức này trên thị trường.

Theo đó, cần nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 88/2014/NĐ-CP để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện đối với DN cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, tăng cường cơ chế công bố thông tin, quản lý giám sát để các DN xếp hạng tín nhiệm cung cấp các dịch vụ chất lượng cho thị trường.

Nghiên cứu, ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức định giá trái phiếu theo thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thêm thông tin tham khảo trước khi quyết định đầu tư.

Ba là, đối với TPDN riêng lẻ, thị trường giao dịch TPDN cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Sở Giao dịch chứng khoán sẽ được thiết lập và triển khai gắn với nâng cấp Chuyên trang thông tin về TPDN riêng lẻ, qua đó tăng thanh khoản của trái phiếu và hỗ trợ thị trường sơ cấp TPDN ngày càng phát triển.

Bốn là, hoàn thiện khung khổ pháp lý để phát triển thị trường TPDN xanh. Hiện nay, Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường đang được hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành, trong đó quy định về các dự án sử dụng vốn trái phiếu xanh, các ưu đãi đối với chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua, giao dịch trái phiếu xanh.

Sau khi Nghị định được ban hành, các quy định về công bố thông tin môi trường, xác nhận dự án xanh cần tiếp tục được hoàn thiện để thu hút các nhà đầu tư có trách nhiệm trong và ngoài nước tham gia thị trường. Đồng thời, khung khổ pháp lý đối với hoạt động của các DN xác nhận dự án xanh cũng cần được nghiên cứu để đưa các tổ chức này vào hoạt động.

(*) Trích bài viết “Hoàn thiện chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam” của ThS. Phạm Văn Hiếu trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 12/2021.