Cơ chế Kiểm soát nội bộ và sự phát triển của doanh nghiệp: Triết lý kinh doanh bền vững
Dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố cho thấy, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp còn hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử.
Khi doanh nghiệp chưa hiểu đúng
Kết quả nghiên cứu thu được từ 239 doanh nghiệp (DN) tham gia cuộc khảo sát và 40 DN tham gia vào các cuộc phỏng vấn sâu đã cho thấy một tỷ lệ lớn các DN còn hiểu chưa đúng; hoặc chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử.
Cụ thể, có nhiều DN cho rằng kiểm soát nội bộ chỉ đơn thuần là trách nhiệm của kiểm soát viên nội bộ chứ không phải là vấn đề quản trị DN. Trong số đó, chỉ có 50 - 60% DN cho thấy hiểu rõ về kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử cũng như vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của DN.
Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa DN với các đối tác kinh doanh, các biện pháp không chính thức và làm ăn dựa trên mối quan hệ thân quen được sử dụng khá rộng rãi và chiếm tỷ trọng khá lớn. Mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được “ngụy trang” dưới nhiều hình thức, chiếm 25 - 30% trong các giao dịch kinh doanh.
Đáng quan tâm, 1/3 số DN được hỏi cho biết không bao giờ áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm cạnh tranh. Các hoạt động bất thường trong mua sắm, bán hàng đều chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong các DN tham gia khảo sát và điều này được cho rằng là nguy cơ tác động đáng kể tới tính liêm chính trong kinh doanh.
Đối với hoạt động mua sắm, các mặt chưa tốt như “đặt hàng không theo nhu cầu”, “đặt hàng không đúng chất lượng”, “hồ sơ báo giá bị can thiệp làm mất tính khách quan” chiếm khoảng 10%. Tương tự, trong hoạt động bán hàng, 11 - 16% DN tham gia khảo sát (tương đương 24 - 34% DN trả lời phiếu khảo sát) đã nhận ra các bất thường này một cách rõ ràng như “lập hóa đơn sai”, “bán hàng không theo đúng chính sách của doanh nghiệp”, “giao hàng không đúng như cam kết trong hợp đồng”.
Tôn trọng quy tắc đạo đức
Hiện khung pháp lý bao gồm các tiêu chuẩn về quản trị DN và hệ thống kiểm soát nội bộ đã được các cơ quan nhà nước và các DN xây dựng và ban hành. Trong đó phải kể đến nhiều luật như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật Chứng khoán; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Ngoài ra còn rất nhiều các văn bản hướng dẫn cũng như các văn bản do DN ban hành.
Các văn bản nêu trên đều có một yêu cầu chung đối với DN là phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ. Các DN thuộc một số loại đặc biệt như công ty có vốn nhà nước, công ty đại chúng hay công ty trong lĩnh vực tài chính thì phải tuân theo yêu cầu cụ thể về cơ chế kiểm soát nội bộ. Các công ty còn lại yêu cầu chỉ tập trung chủ yếu vào tính tuân thủ và các DN có thể tự quyết định xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ như thế nào cho phù hợp.
Như vậy, hệ thống pháp luật đã đủ, nhưng kết quả khảo sát lại cho thấy một kết quả khác, không như mong muốn. Thay đổi triết lý kinh doanh từ “lợi nhuận nhanh” sang “bền vững dài hạn” là một khuyến nghị của các tổ chức xây dựng Báo cáo trên. Điều này đòi hỏi các DN phải xây dựng chiến lược dài hạn trong đó tôn trọng các quy định, chuẩn mực kinh doanh và quy tắc đạo đức. Tuy nhiên, một mình DN thực hiện thì chưa đủ.
Như trên đã nói, hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, vấn đề phải chăng ở đây là hiệu quả thực thi của các quy định? Bởi, dự thảo Báo cáo cũng đã chỉ ra rằng, có một tỷ lệ lớn các DN đã vi phạm một số các quy định và việc chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ nhà nước dường như là một” thông lệ phổ biến”.
Để giải thích hay biện minh cho việc này, các DN đã đưa ra một số nguyên nhân như các quy định pháp luật có sự chồng chéo, mâu thuẫn, thay đổi thường xuyên trong khi bản thân DN lại thiếu nhân lực chuyên trách để cập nhật, theo dõi sự thay đổi đó...
Lý giải này, chỉ là một nguyên nhân, còn có những nguyên nhân khác liên quan đến việc tổ chức thực thi pháp luật; cũng như việc tuyên truyền phổ biến các văn bản liên quan. Bởi hầu hết các DN được khảo sát đều đã từng nghe hoặc thảo luận các vấn đề liên quan đến “kiểm soát nội bộ”.
Tuy nhiên, nhiều DN chưa hiểu thực sự đúng về kiểm soát nội bộ; chỉ khoảng 60% DN lựa chọn định nghĩa đúng nhất về thuật ngữ kiểm soát nội bộ. Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì Chính phủ cần xây dựng văn bản hướng dẫn cho các DN thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trong đó, hướng dẫn về quản trị DN cũng như các công cụ thực tế và tư vấn về địa chỉ có thể hỗ trợ DN.