Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN - “Chìa khóa” tạo thuận lợi thương mại

Hà Anh

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại, năm 2022, Tổng cục Hải quan đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện hiệu quả Kế hoạch tổng thể triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại.

Đến ngày 1/12/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối hồ sơ, doanh nghiệp.
Đến ngày 1/12/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối hồ sơ, doanh nghiệp.

250 thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia

Số liệu thống kê cho thấy, đến ngày 1/12/2022, NSW đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối hồ sơ, doanh nghiệp. ASW cũng được duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN.

Tổng cục Hải quan phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN (ACDD) theo lộ trình chung của ASEAN.

Đồng thời, tiến hành kiểm thử C/O form D common header trên môi trường thử nghiệm với các nước khối ASEAN; chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật; trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Mới đây, cơ quan hải quan đã hoàn thành trao đổi thông tin tờ khai hải quan thử nghiệm qua kênh kết nối bảo mật với Liên minh Kinh tế Á - Âu; trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; trao đổi chứng nhận điện tử với New Zealand.

Để phục vụ hiệu quả việc triển khai NSW và ASW, ngành Hải quan tập trung xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung nhằm xây dựng mô hình kiến trúc tổng thể, áp dụng thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 và kế thừa các kết quả của những hệ thống đã được đầu tư đạt hiệu quả nhất. Hiện nay, Đề án đang được khẩn trương hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Tổng cục Hải quan, đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tái cấu trúc Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa việc xử lý dữ liệu, kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua NSW trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

Thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại

Theo Tổng cục Hải quan, để tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, cơ quan này tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và hiện đại hóa các khâu thực hiện thủ tục trên Cổng NSW nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của cơ chế này.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan tích cực triển khai đề án, hướng tới mục tiêu cải cách toàn diện và thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện, trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai NSW, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2023-2026 làm cơ sở cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền ban hành Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung; Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo NSW...