Cơ hội cho xuất khẩu trực tuyến
Việt Nam có gần 50 triệu người sử dụng internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số, cao hơn mức trung bình thế giới là 46,6%. Con số này đặc biệt có ý nghĩa đối với những ngành nghề kinh doanh trực tuyến, trong đó, mở ra phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến.
Kênh phân phối nhiều tiềm năng
Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2017 chỉ ra rằng, thực hiện giao dịch điện tử sẽ mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu.
Theo đó, DN tiết kiệm được 15 - 30%, thậm chí lên tới 90% thời gian so với cách làm truyền thống; đồng thời tiết kiệm về nhân lực, giảm sai sót, minh bạch về thủ tục và tăng khả năng số hóa.
Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Tinh chất thảo dược Việt Nam Lê Minh Cương cho biết, để thực hiện công tác tiếp thị truyền thông, DN phải đi rất nhiều nơi để kết nối, tìm khách hàng, thậm chí phải bay tới nước bạn để tham gia các hội chợ.
Nhưng hiện nay, thông qua kênh trực tuyến, DN chỉ ngồi trong văn phòng là có thể giao dịch với khách hàng. Mặc dù mới tham gia xuất nhập khẩu trực tuyến được 1 năm, tuy nhiên Công ty đã có rất nhiều khách hàng, trung bình từ 5 - 10 khách hàng/ngày.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại Điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương Nguyễn Kỳ Minh, đối với phương thức xuất khẩu trực tuyến, DN Việt Nam có hai kênh chính để sử dụng.
Thứ nhất, tìm đối tác nước ngoài thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thứ hai, thông qua kênh này bán trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng ở nước ngoài.
Trên thực tế, với phương thức giao dịch truyền thống, bên cạnh các thủ tục rườm rà, nhiều DN vẫn phải chịu chi phí khi muốn tìm đối tác nước ngoài hay xúc tiến thương mại.
Vì vậy, phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến là cơ hội lớn để giảm chi phí thời gian, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa tìm kiếm thông tin bạn hàng, xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm, giao dịch và thanh toán…
Nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử
Mặc dù ứng dụng thương mại điện tử đem lại rất nhiều tiện ích, tuy nhiên theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong số hơn 1.500 DN nhỏ và vừa đang tham gia xuất nhập khẩu, hiện chỉ có 49% DN có website về thương mại điện tử, 11% DN tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, 2% DN thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động.
Khảo sát cũng cho thấy, hiện vẫn còn tới 51% DN chưa biết cách dùng website, 35% DN cho rằng hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động không ổn định.
Chia sẻ về nguyên nhân kênh xuất nhập khẩu trực tuyến chưa thực sự được ưa chuộng, ông Nguyễn Kỳ Minh cho rằng DN chưa có đủ kỹ năng để tự tin bán hàng trên các kênh trực tuyến tới tận tay người tiêu dùng.
Thời gian qua, cơ quan này đã làm việc với rất nhiều nhà cung cấp giải pháp, các đơn vị tư vấn để hỗ trợ DN tiếp cận các cách thức xuất khẩu sản phẩm mới trên thị trường.
“Chúng tôi mong thời gian tới, các DN có nhiều kỹ năng hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa và tìm thêm được các kênh mới, nhiều bạn hàng mới”, ông Minh nói.
Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam Trần Văn Trọng nhận định, khá nhiều DN ở Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vẫn còn e ngại việc ứng dụng xuất nhập khẩu trực tuyến, do kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của DN chưa phát triển và nhiều DN bị rào cản về ngôn ngữ. Ngoài ra, nhiều DN bị sự cạnh tranh lớn với DN nước ngoài.
Vì vậy, bản thân họ cần nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, như kỹ năng tìm kiếm thông tin đối tác trên mạng, xác minh đối tác có uy tín hay không, hoặc các khâu thanh toán, chuyển phát… Từ đó, các DN có hiểu biết cơ bản để tránh các trường hợp lừa đảo khi giao dịch với đối tác nước ngoài…
Để giúp đỡ các DN gặp khó khăn khi áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu, Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam đã ra mắt với mục tiêu tìm kiếm các gói dịch vụ hỗ trợ trọn gói cho DN để tìm kiếm bạn hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh tại một số thị trường lân cận.
Đặc biệt, vừa qua, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến xây dựng khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử trong APEC và coi đây là một nội dung quan trọng của chương trình Nghị sự APEC 2017.
Đây là tín hiệu đáng mừng khi việc ứng dụng thương mại điện tử đang ngày càng được quan tâm và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, mang lại khả năng kết nối ngày càng mạnh mẽ giữa DN trong và ngoài nước.