Đề xuất quy định mới về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính

PV.

Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi về tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Bộ Tài chính đề xuất quy định mới về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Nguồn: internet
Bộ Tài chính đề xuất quy định mới về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Nguồn: internet

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 27/2007/NĐ-CP quy định chi tiết biện pháp thực hiện Luật Giao dịch điện tử năm 2005 trong hoạt động tài chính, tạo cơ sở pháp lý để ngành Tài chính triển khai các dịch vụ công trực tuyến, cải cách mạnh mẽ thủ tục tài chính, hành chính công, đồng thời thúc đẩy áp dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, Nghị định này đã ban hành hơn 10 năm và hiện nay phần lớn quy định của Nghị định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành.
Bộ Tài chính cho rằng, các quy định chưa được sửa đổi của Nghị định 27/2007/NĐ-CP thiên về mô phỏng thực hiện theo phương thức giấy tờ truyền thống trên môi trường điện tử, chưa mạnh dạn khai thác lợi thế của phương thức điện tử (xử lý tự động, giảm thao tác thủ công và can thiệp của con người), do đó hạn chế tính hiệu quả của việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Cơ quan này cũng dẫn chứng các bất cập của Nghị định 27/2007/NĐ-CP trong bối cảnh hiện nay như: quy định còn chung chung, chưa cụ thể, dẫn đến khó áp dụng trong thực tế; chưa có quy định về bảo đảm tính chính xác về thời gian cho giao dịch điện tử, điều kiện tối thiểu để giao dịch...

Bởi vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP và sửa đổi các văn bản liên quan là cần thiết nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề bất cập, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Bộ Tài chính đề xuất phạm vi điều chỉnh của Nghị định mới quy định về giao dịch điện tử trong các lĩnh vực: Tài chính (bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản công, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm (không bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp); dịch vụ tài chính.

Đồng thời, đề cập đến các nhóm chính sách, mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện như: Nhóm chính sách về cụ thể hóa và mở rộng điều kiện chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử; Nhóm chính sách về bảo đảm an toàn của giao dịch điện tử và nâng cao năng lực xử lý giao dịch điện tử của các bên tham gia giao dịch.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính, việc triển khai các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử tại các cơ quan tài chính và kết nối liên thông với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cơ bản nằm trong phạm vi các chương trình, dự án về cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ điện tử và triển khai các quy định của pháp luật về quản lý chuyên ngành.

Bộ Tài chính khẳng định, thúc đẩy triển khai giao dịch điện tử hướng tới cải cách thủ tục hành chính, giảm yêu cầu tương tác trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan tài chính, do đó sẽ góp phần tinh giản biên chế, không tạo ra yêu cầu về bổ sung nguồn nhân lực cho bộ máy nhà nước.