Cơ hội kinh doanh trực tuyến
Dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng ngại đến những chỗ đông người, nhờ vậy kinh doanh trực tuyến có cơ hội tăng mạnh doanh thu.
Đơn hàng tăng vọt
Khi thông tin về dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, nhu cầu mua sắm, đặc biệt là khẩu trang và nước rửa tay đã tăng mạnh tại các sàn thương mại điện tử, như tại Tiki, lúc cao điểm có khoảng 3.000 - 4.000 đơn hàng/phút. Theo ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó tổng giám đốc Phát triển Công ty CP Tiki, chỉ trong tuần đầu tiên, số khẩu trang bán ra đã tăng 8 lần, nước rửa tay tăng hơn 10 lần. Từ đầu tháng 2 đến nay, mức tăng trưởng đạt 15% so với thời kỳ cao điểm cuối năm 2019.
Cũng trong vòng một tháng qua, tại sàn thương mại điện tử Lazada, nhu cầu mua sắm các mặt hàng xịt phòng, khử khuẩn đã tăng hơn 160%, tã giấy và giấy vệ sinh tăng hơn 60%, đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%.
Trong lĩnh vực bán lẻ, mua hàng online, mua hàng qua điện thoại tại các siêu thị cũng tăng đột biến. Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, kênh mua sắm qua điện thoại, qua website ở hệ thống siêu thị Co.opmart đã tăng rất cao. Chỉ trong ngày ghi nhận ca nhiễm thứ 17 tại Việt Nam, số đơn hàng online tại Co.opmart đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, lượng khách mua sắm online và qua điện thoại tại Co.opmart tăng gấp 4-5 lần so với trước.
Số lượng đơn hàng online tại trang thương mại điện tử SpeedL (thuộc Lotte Mart) cũng tăng 150-200% từ khi dịch Covid-19 bùng nổ. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn hàng của hệ thống siêu thị Lotte Mart phân bổ cho trang online tăng gấp đôi, gấp ba so với trước.
Trong khi đó, từ ngày 1-12/3/2020, các siêu thị Big C hoàn tất hơn 1.000 đơn hàng qua điện thoại. Chuỗi siêu thị này dự kiến đạt khoảng 3.000 đơn hàng trong tháng 3, tăng 200% so với tháng 2. Bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc Central Retail tại Việt Nam (đơn vị chủ quản của Big C và GO!) cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng, Big C đang tăng cường hình thức thương mại điện tử.
Cùng với mua sắm qua mạng, thanh toán trực tuyến cũng tăng mạnh. Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch Ví MoMo cho biết, lượng giao dịch qua ví điện tử từ sau Tết Canh Tý đã tăng hơn 100%, giá trị các giao dịch trung bình tăng từ 50-100% do người tiêu dùng mua sắm một lúc nhiều thứ hơn so với thời gian trước.
Thay đổi hành vi tiêu dùng
Nghiên cứu của Nielsen Việt Nam mới đây cho thấy, nhiều người Việt Nam nghĩ rằng chợ, siêu thị là những nơi dễ lây lan virus Corona biến thể, đặc biệt là chợ truyền thống. Họ dành nhiều thời gian ở nhà và lên mạng, do đó mua sắm online, giao hàng tận nhà tăng tối đa. Trong 500 người được Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel phối hợp khảo sát tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng thì có hơn một nửa cho biết giảm tần suất đến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa. Tỷ lệ này đối với chợ truyền thống lên đến 60%. Bên cạnh đó, 25% người tiêu dùng đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm mua sắm bên ngoài. Và có đến 45% số người được khảo sát cho biết đang dự trữ thức ăn tại nhà nhiều hơn trước đây.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) những ngày qua, do lo ngại dịch Covid-19 nên sức mua tại các chợ đã giảm 20-30%. Nhu cầu mua sắm giảm đã kéo theo lượng hàng hóa kinh doanh tại các chợ giảm đến 50-70%, doanh thu giảm 50-80%.
Không chỉ vậy, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Cụ thể, 47% số người thay đổi thói quen ăn uống trong khi 60% thay đổi cách giải trí, vui chơi. Có đến 70% người Việt đã xem lại kế hoạch du lịch. Theo ông Mohit Agrawal - Giám đốc bộ phận thấu hiểu hành vi tiêu dùng của hãng nghiên cứu Nielsen, số lần đi chợ, siêu thị giảm nên giá trị giỏ hàng buộc phải tăng để đáp ứng nhu cầu tích trữ. Do đó, doanh thu trong ngắn hạn của các siêu thị, thương mại điện tử sẽ tăng cao. Và đây là cơ hội để các chuỗi siêu thị và nhà hàng mở rộng dịch vụ giao nhận tận nhà.
Đáp ứng nhu cầu và hành vi đang thay đổi của người tiêu dùng, hiện nay hầu hết siêu thị như Lotte Mart, Satramart, Co.opmart, Big C, Bách hóa Xanh... đều có dịch vụ “đi chợ thuê”. Người tiêu dùng chỉ cần “lướt”, “chạm” hoặc gọi điện thoại là hàng sẽ được giao đến tận nơi. Với nhóm hàng thực phẩm, nhiều nơi như Đi chợ nhanh, Đi chợ dùm bạn... còn nhận sơ chế, nấu nướng theo yêu cầu của khách.
Đánh giá về sự bùng nổ của các dịch vụ trực tuyến trong thời gian này, ông Mohit Agrawal cho rằng: “Đây là xu hướng tất yếu và sẽ được duy trì trong dài hạn. Ứng dụng công nghệ là bước chuyển tự nhiên trong kinh doanh, Covid-19 chỉ thúc đẩy hoạt động này diễn ra sớm hơn. Doanh nghiệp nào bắt đầu sớm thì thu lợi sớm”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong bối cảnh người mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại giảm mạnh vì lo sợ lây nhiễm dịch Covid-19, thì kênh mua sắm online được lựa chọn. Tuy nhiên, nhà kinh doanh thương mại điện tử cũng cần nắm thị hiếu khách hàng để thay đổi nhóm hàng sao cho phù hợp với nhu cầu.