Cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam rất lớn
Cơ hội để thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được vào danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE và MSCI là rất lớn, nhưng vẫn phụ thuộc thời gian hoàn thiện khung pháp lý, đòi hỏi sự vào cuộc chung tay của các cơ quan quản lý, bộ ngành có liên quan.
Ông Nguyễn Khắc Hải – Giám đốc Khối Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) đã có những trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài chính về cơ hội, thách thức của nâng hạng TTCK cũng như đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến trình.
Phóng viên: Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và dài hơi cho việc nâng hạng TTCK và sắp đến thời điểm phải hoàn thành nhiệm vụ. Theo ông, trong ngắn hạn, làm sao để “kịp deadline”?
Ông Nguyễn Khắc Hải: Theo các tiêu chí để nâng hạng thị trường, hiện Việt Nam đạt 7/9 tiêu chí, hiện còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện gồm: Ký quỹ trước giao dịch nhà đầu tư nước ngoài và cơ chế xử lý đối với các giao dịch thất bại (failed trade).
Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) đang rất tích cực và nỗ lực đưa ra các giải pháp để có thể triển khai việc giao dịch không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư nước ngoài tổ chức, đảm bảo hoạt động nước ngoài, hoạt động thanh toán.
Một trong những yêu cầu quan trọng là đảm bảo không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền tại thời điểm T0, với tiêu chí này, SSI đã có những giải pháp đáp ứng hoàn toàn. Tức là, SSI sẽ dựa trên đánh giá năng lực của từng nhà đầu tư để cung cấp hạn mức giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài được quyền giao dịch 100% hạn mức đấy mà không cần ký quỹ giao dịch.
Phóng viên: Vậy, các công ty chứng khoán sẽ có giải pháp dự phòng rủi ro thế nào khi nhà đầu tư giao dịch mà không cần ký quỹ 100% bằng tiền?
Ông Nguyễn Khắc Hải: Về giải pháp dự phòng, trước hết công ty chứng khoán phải đảm bảo được năng lực về vốn. Điều này là rất quan trọng khi không yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ trước khi giao dịch chứng khoán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Vì khi đó, công ty chứng khoán phải chịu trách nhiệm trước, sau đó mới là Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Như vậy, câu chuyện rõ ràng là công ty chứng khoán cần nâng cao năng lực tài chính, tức là vốn, phải tăng vốn.
Một bài toán lợi ích đặt ra thế này, nếu như FTSE đồng ý đưa TTCK Việt Nam vào danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi, ngay lập tức, thị trường Việt Nam sẽ có 1,6 tỷ USD được rót vào từ các quỹ ETF bị động và con số này sẽ nhân lên 4 – 5 lần nữa từ các quỹ đầu tư chủ động. Do vậy, năng lực về vốn của các công ty chứng khoán để đón nhận lợi ích này là rất quan trọng.
Một giải pháp dự phòng quan trọng nữa chính là hệ thống quản trị rủi ro của công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán phải xây dựng hệ thống quản trị rủi ro để từ đó mới đánh giá được năng lực nhà đầu tư, mới có cơ sở kiểm soát rủi ro.
Phóng viên: Đấy là câu chuyện giải pháp của SSI – một trong những công ty chứng khoán "top đầu" và mạnh về vốn. Nhưng với những công ty chứng khoán khác, thuộc “top dưới”, đâu sẽ là giải pháp cho họ?
Ông Nguyễn Khắc Hải: Thị trường sẽ không tránh khỏi việc phải đi theo xu thế chung, các công ty chứng khoán khác cũng thế, phải đáp ứng được năng lực về vốn và quản trị rủi ro. Bởi nếu không theo kịp xu thế, không đáp ứng được những năng lực này, họ có thể gây ra rủi ro khi tham gia thị trường, trước tiên là rủi ro cho chính bản thân công ty chứng khoán đó, thứ hai là rủi ro cho nhà đầu tư và thứ ba là rủi ro cho toàn thị trường.
Phóng viên: Việc cấp hạn mức cho nhà đầu tư, trong trường hợp không được 100%, như vậy có khác gì công ty chứng khoán cấp margin cho nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Nguyễn Khắc Hải: Với công ty chứng khoán nhỏ, họ hoàn toàn toàn có thể cung cấp hạn mức thấp hơn dựa trên việc đánh giá năng lực của nhà đầu tư. Ví dụ, cùng một công ty, cùng một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, SSI có thể cung cấp hạn mức 10 đồng, nhưng các công ty chứng khoán khác có thể cung cấp 2 đồng – 3 đồng, tùy theo năng lực tài chính và quản trị rủi ro của công ty đó. Vấn đề này tôi đã nói rồi và nhấn mạnh lần nữa, năng lực tài chính, khả năng vốn và quản trị rủi ro của công ty chứng khoán là rất quan trọng.
Phóng viên: Theo ông, điều gì khiến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ tuân thủ việc thanh toán đúng và đủ khi không cần ký quỹ 100%?
Ông Nguyễn Khắc Hải: Chúng ta đang đề cập đến những nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, tức là họ vừa có uy tín, vừa có tiềm lực tài chính. Khi các nhà đầu tư lớn tham gia vào TTCK Việt Nam, họ luôn luôn nghiên cứu và tìm hiểu rất kỹ trước khi rót vốn. Và khi tham gia giao dịch trên một thị trường, những nhà đầu tư tổ chức lớn này rất ngại rủi ro có thể gây ảnh hưởng uy tín của họ. Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể rót hàng triệu, hàng tỷ USD vào TTCK để đầu tư, nếu gặp sự cố, thất bại dù chỉ một lần không thực hiện thanh toán đúng và đủ, họ sẽ bị cảnh báo. Ví dụ, chúng tôi chỉ cần công cố thông tin nhà đầu tư vi phạm, ngay lập tức những nhà đầu tư lớn này sẽ rất “sợ”, vì họ ngại nhất những rủi ro liên quan pháp lý, uy tín và rắc rối, phức tạp khi phải xử lý vi phạm.
Tôi khẳng định, cơ bản 99% các nhà đầu tư tổ chức không muốn những “sự cố” đấy xảy ra nên luôn cố gắng sắp xếp tiền để thanh toán đúng và đủ. Vậy còn 1% thì sao? Vì có rất nhiều yếu tố khách quan, như họ ở Mỹ, khoảng cách về địa lý và thời gian khiến họ chưa kịp sắp xếp tiền hoặc giao dịch ngoại hối dẫn đến việc chuyển tiền chậm.
Do đó, trường hợp giao dịch thất bại, công ty chứng khoán và nhà đầu tư nên ngồi lại với nhau cùng đàm phán. Vào ngày T+2 tiền chưa về, không nhất thiết chúng ta phải bán ngay để thu tiền, mà nên có thêm một ngày nếu như nhà đầu tư chứng minh được đến T+3 họ có tiền. Còn T+3 mà nhà đầu tư không có thiện chí hay không có khả năng thanh toán, lúc đó công ty chứng khoán bán cũng chưa muộn.
Phóng viên: Hiện, trong khu vực có ít nhất 4 thị trường đã là thành viên của cả FTSE và MSCI. Dựa vào quan sát và quá trình làm việc cùng UBCKNN, các cơ quan quản lý có liên quan, ông cho rằng xác suất TTCK Việt Nam được nâng hạng là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Khắc Hải: Thực ra, xác suất tôi nghĩ là lớn, nhưng vấn đề là thời gian. Chúng ta cần có thời gian sửa những thông tư nếu yêu cầu thêm về các điều kiện đối với công ty chứng khoán khi thực hiện giao dịch không cần ký quỹ. Theo đó, không chỉ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà cần có sự chung tay của các cơ quan, bộ ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rút ngắn quy trình.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!