Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế biển xanh tại Việt Nam
Phát triển kinh tế biển xanh được coi nền tảng để phát triển kinh tế biển một cách bền vững. Mặc dù có nhiều thách thức không nhỏ đang đặt ra trước mắt nhưng cũng có những cơ hội rõ ràng cho sự phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam hiện nay.
Những thách thức chính đối với kinh tế biển xanh
Tại Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc đánh giá, phát triển kinh tế biển xanh trong trường hợp của Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức chủ yếu như:
Thứ nhất, thách thức về địa chính trị. Khu vực Biển Đông, trong đó có biển Việt Nam, hiện là một trong những vùng biển còn có tranh chấp giữa nhiều bên liên quan. Việc duy trì an ninh, an toàn là một trong những tiền đề tối quan trọng cho các hoạt động kinh tế trên các vùng biển.
Thứ hai, hạn chế về năng lực tài chính. Hiện tại, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển với mức GDP/người còn thấp (khoảng 3.520 USD/người năm 2020). Điều đó cho thấy sự hạn chế rất lớn về năng lực tài chính, kể cả khu vực tài chính công lẫn của các doanh nghiệp tư nhân. Công nghệ sản xuất “xanh” về cơ bản là loại công nghệ mới, thâm dụng vốn, giá cả đắt nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được. Ngoài ra, chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng của hầu hết các lĩnh vực kinh tế biển đều đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.
Thứ ba, hạn chế về năng lực khoa học - công nghệ biển. Là nước phát triển muộn, đang tiến hành công nghiệp hóa, Việt Nam thuộc số các nước có tiềm lực khoa học – công nghệ thấp, trong đó có khoa học - công nghệ biển. Sự hạn chế về năng lực khoa học - công nghệ biển thể hiện qua một loạt các biểu hiện như công tác điều tra, thăm dò tài nguyên biển còn yếu và thiếu; năng lực sản xuất các loại thiết bị truyền thống phục vụ phát triển kinh tế; các cơ sở nghiên cứu khoa học về biển và đội ngũ những người làm công tác R+D trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển còn ít…
Thứ tư, hạn chế về nhân lực. Là một quốc gia biển nhưng lực lượng lao động làm việc trong những ngành nghề trực tiếp liên quan đến biển còn ít về số lượng và yếu về chất lượng. Ngoài một số lao động trong các lĩnh vực công nghiệp biển như dầu khí, hàng hải... được đào tạo kỹ thuật bài bản do tính chất công việc; còn một bộ phận khá lớn người lao động trong các lĩnh vực nghề cá, du lịch, làm muối... đều là lao động phổ thông. Đây cũng là một điểm hạn chế không nhỏ cần được giải quyết trong phát triển kinh tế biển xanh thời gian tới.
Thế giới xem thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương với cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng thời thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia đã đưa ra những chương trình phát triển kinh tế xanh nói chung và kinh tế biển xanh nói riêng.
Thứ năm, quản lý phát triển kinh tế biển xanh đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực cải cách thể chế nhiều hơn nữa. Một số nội dung cần được triển khai liên quan đến xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển trên cơ sở tư duy phát triển kinh tế biển xanh, vấn đề thống nhất trong quản lý phát triển kinh tế biển, vấn đề liên quan đến xây dựng hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường và thông tin kinh tế biển làm cơ sở cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển xanh.
Các cơ hội chính cho phát triển kinh tế biển xanh
Theo Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”, mặc dù có nhiều thách thức không nhỏ đang đặt ra nhưng cũng có những cơ hội rõ ràng cho sự phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam hiện nay.
Một là, xu hướng phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới: Thế giới xem thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương với cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng thời thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Các quốc gia đi tiên phong trên thế giới đã đưa ra những chương trình phát triển kinh tế xanh (Green economy) nói chung và kinh tế biển xanh (Blue economy) nói riêng từ đó Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, những thông tin về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng,... được thường xuyên cập nhật, đã cung cấp cho người dân những hiểu biết nhất định và cơ bản về xu hướng phát triển kinh tế biển xanh đang diễn ra trên thế giới.
Hai là, khoa học - công nghệ để phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới đang phát triển rất mạnh mẽ, tạo nền tảng để thực hiện phát triển kinh tế biển xanh và bảo vệ môi trường biển hiệu quả.
Ba là, định hướng phát triển kinh tế biển xanh của Việt Nam. Nắm bắt xu hướng và các cơ hội phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới, trên cơ sở nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển quốc gia, Việt Nam đã đề ra Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018), trong đó khẳng định: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước”.
Bản Nghị quyết cũng nêu rõ các mục tiêu phát triển đến năm 2030 trên các lĩnh vực như kinh tế biển, về xã hội, về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế biển xanh là một định hướng quan trọng trong số các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để hướng đến mục tiêu cao hơn, như mục cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Vấn đề hiện nay là làm sao có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội này để vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo vệ được tài nguyên biển cho sự phát triển của các thế hệ mai sau.