Cơ hội và thách thức từ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và một số khuyến nghị

ThS. Lưu Ánh Nguyệt, ThS. Phạm Tiến Đạt - Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính)

Việc được đưa vào danh sách nâng hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức xếp hạng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư, tạo cơ hội hoàn thiện thị trường, đồng thời tạo tác động lan toả tích cực đến thị trường tài chính. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán trong dài hạn. Tuy nhiên, việc nâng hạng thị trường cũng có thể dẫn đến những rủi ro, do vậy cần có các giải pháp để kiểm soát, quản lý.

Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Về mặt chính sách, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã được thể hiện mạnh mẽ và luôn được Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm và chỉ đạo sát sao. Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030, trong đó, nhấn mạnh đến mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.

Về mặt thực thi chính sách, trong năm 2023-2024, nhiều giải pháp được thực hiện như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, giao dịch để tăng khả năng giao dịch và tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng, tăng cường các buổi làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm (FTSE, MSCI), các nhà đầu tư quốc tế để giúp các tổ chức, nhà đầu tư hiểu hơn về thị trường Việt Nam, thúc đẩy mục tiêu nâng hạng. Cụ thể, tháng 7/2023, tại Luxembourg, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị bàn tròn về kết nối thị trường vốn với chủ đề “Kết nối Việt Nam - Luxembourg xây dựng thị trường vốn xanh”. Tiếp đó, tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác với chủ đề “Khai mở tiềm năng TTCK Việt Nam - Hướng tới vị thế thị trường mới nổi” tại Hồng Kông (Trung Quốc). Tháng 11/2023, UBCKNN phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì với chủ đề “Triển vọng tăng trưởng tươi sáng” tại Los Angeles, Mỹ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang thực hiện lấy ý kiến về việc sửa đổi một số thông tư nhằm giảm yêu cầu ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài – một yêu cầu cần đạt được để TTCK được nâng hạng (Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 thông tư gồm: Thông tư số 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán; Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán; và Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK).

Về thực tiễn quá trình xét nâng hạng lên thị trường mới nổi của TTCK Việt Nam: Năm 2018, FTSE Russell đã đưa TTCK Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mối nổi hạng hai và đến kỳ đánh giá tháng 3/2024 tổ chức này vẫn giữ Việt Nam trong danh sách chờ nâng hạng. Trong khi đó, trong kỳ đánh giá tháng 6/2023, MSCI vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng với lý do các tiêu chí không có thay đổi so với kỳ đánh giá một năm trước đó. Hiện tại, Việt Nam đang là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số cận biên của MSCI khi cổ phiếu Việt Nam chiếm 27,11% danh mục của MSCI FM Index (được tính toán tại ngày 31/01/2024). Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging), tuy nhiên, đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 8/17 tiêu chí – tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI khắt khe và không linh hoạt bằng việc phân loại của FTSE Russell.

Cơ hội và thách thức của việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Việc nâng hạng TTCK đứng trước nhiều cơ hội lớn như:

Thứ nhất, thu hút được dòng vốn đầu tư gián tiếp lớn hơn và ổn định hơn vào TTCK Việt Nam. Việc xếp hạng TTCK được thực hiện bởi 3 tổ chức MSCI (Morgan Stanley Capital International), FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) và S&P Dow Jones (Standard & Poor’s Global). Kết quả xếp hạng TTCK hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đánh giá các cơ hội đầu tư trên phạm vi toàn cầu theo các tiêu chí, nguyên tắc riêng và dựa vào kết quả khảo sát đối với các nhà đầu tư thế giới. Hiện nay, nhiều quỹ đầu tư chứng khoán theo chỉ số (ETFs) đã sử dụng báo cáo xếp hạng của các tổ chức này để đưa ra quyết định đầu tư.

Thông thường các nhà đầu tư ưu tiên phân bổ tỷ trọng đầu tư lớn vào thị trường phát triển và mới nổi vì các thị trường này có tính ổn định cao, sản phẩm đa dạng, quy mô giao dịch lớn hơn so với cận biện. Việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn. Theo Bloomberg, tính cuối quý I/2023, có 470 Quỹ với tổng quy mô 890 tỷ USD bao gồm 155 Quỹ ETF (quy mô 338 tỷ USD) và 315 Quỹ mở (quy mô 552 tỷ USD) đang đầu tư vào TTCK mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE.

Đối với Việt Nam, theo đánh giá của WB (tháng 4/2024), trong trường hợp được nâng hạng bởi cả MSCI và FTSE Russell, thị trường Việt Nam có thể thu hút 25 tỷ USD từ nay đến năm 2030. Trước đó, tháng 12/2020, WB dự báo, việc nâng hạng giúp thu hút thêm dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam mỗi năm thông qua các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Thứ hai, tạo cơ hội để hoàn thiện thị trường, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Để đáp ứng được yêu cầu nâng hạng, TTCK có áp lực phải cải thiện nhiều điều kiện: tính minh bạch về thông tin, khung thể chế, cơ chế, điều kiện giao dịch thị trường. Bên cạnh đó, trong quá trình xem xét nâng hạng, sự tư vấn, hỗ trợ của các tổ chức xếp hạng cũng giúp các nhà quản lý thị trường khắc phục được những hạn chế, qua đó thúc đẩy tính hiệu quả trong hoạt động.

Điều này về cơ bản sẽ làm cho TTCK vận hành tốt hơn, hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế. Cùng với trình độ phát triển cao của kinh tế, vai trò của TTCK ngày càng trở lên quan trọng. Trong giai đoạn 2014-2023, TTCK đã huy động nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đạt 3,8 triệu tỷ đồng, bình quân 380 nghìn tỷ đồng/năm tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn 2004 - 2013. Năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Thứ ba, tác động lan toả tích cực đến thanh khoản và huy động vốn trên thị trường. Cùng với việc dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường nhiều hơn, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng khiến các doanh nghiệp nội địa có cơ hội tiếp xúc với trình độ, kinh nghiệm quản lý mới, hiện đại. Các doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước có động lực phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới, qua đó năng lực hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức trung gian thị trường được nâng cao. Bên cạnh đó, các cổ phiếu không có trong rổ xem xét của các tổ chức xếp hạng cũng sẽ được hưởng lợi từ sự đi lên chung của thị trường, việc huy động vốn trên thị trường được thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, việc nâng hạng TTCK cũng có thể có mang lại những thách thức đến ổn định hệ thống tài chính. Cụ thể:

Thứ nhất, nguy cơ từ đảo chiều đột ngột của dòng vốn đầu tư gián tiếp làm tăng sự biến động lớn trên thị trường: TTCK có thể đối mặt với nguy cơ sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường. Việc các nhà đầu tư quốc tế rút vốn trong nhiều trường hợp không phải từ nguyên nhân nội tại của thị trường mà từ sự biến động của thị trường quốc tế. Trong giai đoạn 2022-2023, chứng kiến dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam để đổ về Mỹ khi lãi suất ở Mỹ được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng cao. Mặc dù, trong những năm vừa qua, vốn ngoại không chiếm tỷ trọng lớn trên TTCK Việt Nam nhưng tính dẫn dắt của dòng vốn này vẫn thể hiện rõ nét. Chẳng hạn, giai đoạn từ tháng 10/2022 tới tháng 01/2023, khối ngoại đã mua ròng trên thị trường Việt Nam, sau nhịp giảm mạnh của VNindex, cùng sự xuất hiện một số thông tin hỗ trợ như đô la Mỹ giảm giá, Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài theo đuổi chính sách “Zero-Covid”, thị trường cũng tăng mạnh và đạt đỉnh. Tuy nhiên, khối ngoại đảo chiều bán ròng từ giữa tháng 2/2023, kéo theo đó là sự sụt giảm mạnh của TTCK. Do vậy, việc dòng vốn ngoại rút mạnh có thể gây ra tâm lý tiêu cực đối với thị trường, tạo hiệu ứng bán ra mạnh, khiến thị trường sụt giảm ở mức khó kiểm soát.

Thứ hai, thách thức đối với quản lý ngoại hối: Quy mô và giao dịch dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng lên sẽ gây áp lực cho thị trường ngoại hối do sự gia tăng của nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ sang VND và ngược lại.

Thứ ba, việc nâng hạng TTCK đặt ra thách thức lớn đối với cơ sở hạ tầng của thị trường để duy trì trạng thái thứ hạng. Hoạt động giao dịch tăng mạnh, có thể cao hơn nhiều lần so với bình thường, gây áp lực đến hệ thống giao dịch, thanh toán của thành viên thị trường. Yêu cầu về cơ sở hạ tầng của hệ thống giao dịch cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống đối với việc gia tăng mạnh hoạt động giao dịch cần được đảm bảo để hệ thống giao dịch hoạt động thông suốt

Thứ tư, nâng hạng TTCK chỉ mang lại tác động tích cực khi kinh tế, tài chính quốc gia ổn định, bền vững. Nền tảng để duy trì sự gia tăng của dòng vốn đầu tư gián tiếp là triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế, xếp hạng tín nhiệm quốc gia phải duy trì ổn định, tích cực. Trên thực tiễn, có những thị trường mặc dù được nâng hạng nhưng không đem lại tích cực trong thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp. Ví dụ tại Hy Lạp, năm 2001, TTCK Hy Lạp được nâng hạng lên nhóm thị trường phát triển, bất chấp việc bong bóng trên thị trường mới đổ vỡ trước đó vài năm, trong 2 năm sau khi được nâng hạng, chứng khoán Hy Lạp giảm khoảng 45%, trong khi giá trị giao dịch bình quân giảm 17%.

Một số khuyến nghị

Thứ nhất, phát triển TTCK lành mạnh, hoạt động hiệu quả, theo thông lệ quốc tế. Tập trung củng cố cơ sở hạ tầng, khung khổ pháp lý đối với TTCK, đảm bảo xây dựng TTCK đáp ứng các nguyên tắc về hạ tầng tài chính tốt theo thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo hoạt động lành mạnh trên nền tảng pháp luật vững chắc, quản trị minh bạch, sớm phát hiện và chống đỡ được rủi ro thanh khoản, hoạt động và các loại rủi ro khác trên thị trường. Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của các trung gian chứng khoán theo hướng hoàn thiện, áp dụng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực IOSCO. Đồng thời, yêu cầu các trung gian chứng khoán công bố công khai, minh bạch, chính xác thông tin về chiến lược kinh doanh, sở hữu, tình hình tài chính, cơ cấu quản lý, quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh cải cách quản trị doanh nghiệp và tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực tài chính nói chung và TTCK nói riêng phù hợp với chuẩn mực tốt quốc tế.

Thứ hai, nâng cấp hạ tầng công nghệ cho thị trường. Về hạ tầng thị trường, bao gồm việc áp dụng: (i) Hệ thống thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho các giao dịch cổ phiếu, giao dịch trong ngày (T+O); (ii) Ứng dụng CNTT trong quản lý và giao dịch chứng khoán. Những biện pháp này được kỳ vọng vào giải quyết phần nào các vấn để về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và cải thiện tính thanh khoản của thị trường. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để nhanh chóng đạt được mục tiêu nâng hạng và duy trì được thứ hạng cho TTCK, cần thực hiện triệt để việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho thị trường. Ả Rập Xê-út đầu tư mạnh mẽ vào cải thiện hạ tầng và công nghệ để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Nước này phát triển hệ thống giao dịch điện tử tiên tiến nhằm hỗ trợ cho các giao dịch được thông suốt và thuận lợi hơn, tăng cường khả năng kết nối với các thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Ả Rập Xê-út còn hình thành các trung tâm tài chính hiện đại như Trung tâm Tài chính Quốc tế Riyadh (Kingdom Tower) để thu hút các định chế tài chính lớn và nhà đầu tư quốc tế. Tại Thái Lan, nước này đã đầu tư vào việc cải thiện hạ tầng và công nghệ để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Thái Lan tăng cường phát triển hệ thống giao dịch điện tử, cung cấp thông tin thị trường chính xác và kịp thời. Đồng thời, nước này cũng tạo điều kiện thuận lợi để các công ty công nghệ và công ty mới nổi phát triển và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của mình.

Thứ ba, thường xuyên theo dõi, đánh giá nguy cơ tăng trưởng nóng, và nguy cơ đảo chiều dòng vốn trên TTCK để có các kịch bản ứng phó kịp thời. Theo dõi sát sao các dòng tiền vào TTCK, gồm: dòng tiền từ tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân, dòng tiền của khối ngoại, dòng tiền tín dụng (dư nợ lĩnh vực chứng khoán, tiền cho vay ký quỹ tại các CTCK) và các kênh huy động vốn của CTCK.

Thứ tư, nâng cao khả năng chống chịu của TTCK trước các cú sốc bên ngoài: Bài học từ một số quốc gia châu Á như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan… cho thấy, để nâng cao khả năng chống chịu của thị trường chứng khoán Việt Nam, định hướng chung là cần phát triển TTCK theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài; chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính và TTCK; hiện đại hóa các công cụ, hình thức thanh tra, giám sát; thực thi chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm trên TTCK. Cần tái cơ cấu toàn diện các tổ chức trung gian chứng khoán để nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của TTCK khi nâng hạng, đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định tài chính và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn hoạt động của TTCK như nâng cao chuẩn mực an toàn trên thị trường chứng khoán nhằm tăng cường khả năng chống chịu bất ổn và khủng hoảng của hệ thống tài chính toàn cầu; Mở rộng phạm vi giám sát và kiểm soát các giao dịch chứng khoán; Đưa ra tiêu chuẩn để nhận dạng các định chế tài chính có rủi ro hệ thống (SIFIs) và các phương thức mới để giám sát và giảm thiểu rủi ro của các định chế này, bởi sự đổ vỡ của các định chế tài chính sẽ có tác động rất lớn đến khả năng chống chịu của TTCK; Nâng cao hiệu quả công tác giám sát với 3 nội dung trọng yếu: giám sát rủi ro hệ thống, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát; phối hợp, đồng bộ hóa giám sát cẩn trọng vĩ mô và giám sát cẩn trọng vi mô.

Thứ năm, trong dài hạn, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố nền tài chính quốc gia là yếu tố then chốt để duy trì và thu hút dòng vốn đầu tư mới. Với môi trường kinh doanh ổn định, kiểm soát cung tiền chặt chẽ, áp lực lạm phát thấp sẽ tạo sự cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút dòng vốn nước ngoài. Trong bối cảnh quốc tế còn nhiếu bất ổn và diễn biến khó lường, Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong kiểm soát về giá cả, duy trì ổn định vĩ mô và thận trọng trong nới lỏng tiền tệ để hạn chế tác động từ cú sốc tài chính bên ngoài. Cần theo dõi sát sao diễn biến dòng vốn, dự báo xu hướng để có những biện pháp ứng phó kịp thời, không để sự đảo chiều của dòng vốn làm xói mòn sự ổn định của hệ thống tài chính và nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc cải cách, hoàn thiện hệ thống chính sách, nhất là chính sách vĩ mô và các chính sách liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, phát triển thị trường vốn và đầu tư tài chính nói riêng sẽ tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó tạo niềm tin ở các nhà đầu tư lớn, có uy tín.

Thứ sáu, thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục tài chính qua các kênh truyền thông, hội thảo, hội nghị, mạng xã hội… nhằm nâng cao nhận thức xã hội về TTCK, hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về lợi nhuận, rủi ro của kênh đầu tư chứng khoán. Thường xuyên đưa ra các cảnh báo thận trọng với nhà đầu tư nhằm hạn chế những rủi ro từ việc đầu tư theo phong trào, theo hiệu ứng tâm lý....

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng 4/2024;
  2. Bộ Tài chính, Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” ngày 02/7/2024;
  3. Cấn Văn Lực (2021), Thị trường tài chính: Tăng khả năng ứng phó các cú sốc trong và ngoài, Báo Sài gòn đầu tư.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2024