“Cơ hội vàng” đẩy lùi nợ xấu
Mặc dù chỉ có hiệu lực trong 5 năm nhưng những nội dung đột phá trong Nghị quyết của Quốc hội (QH) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang mở ra “cơ hội vàng” làm tan “cục máu đông” này.
Trước giờ G
Trước thời điểm Nghị quyết của QH về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực (ngày 15/8), ngành ngân hàng đã tổ chức hội nghị bàn thảo kỹ lưỡng việc triển khai Nghị quyết của QH và Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Tại hội nghị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã chỉ rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm của các TCTD.
Thứ nhất, Nghị quyết phải được quán triệt và thực hiện trong toàn hệ thống. Các TCTD phải có kế hoạch xử lý nợ xấu hàng năm; có đánh giá, đề xuất về tính hiệu quả, khả thi đối với các chính sách thí điểm tại Nghị quyết trên cơ sở tổng kết việc thực hiện tại đơn vị...
Thứ hai, thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực quản trị nội bộ, đặc biệt là quản trị rủi ro; các biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh, tập trung nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định, xử lý nợ.
Cuối cùng là, nghiên cứu Văn bản số 152/2017TANDTC-PC của Tòa án Nhân dân Tối cao về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng…
Việc tổ chức hội nghị một lần nữa thể hiện quyết tâm của toàn ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu, đồng thời cũng cho thấy áp lực từ sự kỳ vọng về sự thay đổi lớn và thực chất trong xử lý nợ xấu đối với NHNN, các TCTD là không nhỏ.
Ước tính, nếu mức tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm 16%, lượng nợ xấu cần xử lý trong 5 năm thực hiện nghị quyết tương đương 640.000 tỷ đồng (xấp xỉ 130.000 tỷ đồng/năm). Con số này sẽ lớn hơn khi tăng trưởng tín dụng được nới cao hơn nhiều mức giả định 16%.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng, đây là “cơ hội vàng” để xử lý nợ xấu. Chủ tịch hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Trịnh Ngọc Khánh cho biết, để đón trước cơ hội khi Nghị quyết xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực, Agribank đã triển khai đợt miễn toàn bộ lãi suất phạt quá hạn, tổng điều chỉnh lãi suất của tất cả các khoản nợ xấu đã bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC)...
Đợt này dự kiến sẽ giảm 30.000 tỷ đồng do các khoản nợ đã được xử lý rủi ro và bán cho VAMC. Bên cạnh đó, Agribank còn có các biện pháp xử lý nợ xấu khác như áp dụng miễn giảm 100% lãi đọng để khuyến khích khách hàng trả nợ gốc.
Dự kiến, việc miễn giảm nếu được thực hiện tốt, khách hàng sẽ được giảm khoảng 40.000 tỷ đồng. Agribank cũng sẽ thực hiện cho vay hỗ trợ khó khăn, “nuôi nợ” đối với tất cả các khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, nợ đã bán cho ngân hàng nay có nguyện vọng, có khả năng khôi phục sản xuất, từng bước tạo nguồn trả nợ.
Cho phép xử lý các vấn đề khó
Nghị quyết của QH gồm 19 điều và Phụ lục xác định nợ xấu, quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.
Trong đó, nguyên tắc xử lý nợ xấu là bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của TCTD; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu...
Dù chỉ có hiệu lực trong 5 năm, áp dụng đối với các khoản nợ xấu tính đến thời điểm trước 15/8/2017 nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, Nghị quyết giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Đơn cử như, các khoản nợ xấu phải được mua bán theo cơ chế thị trường, đặc biệt cho phép các công ty định giá độc lập định giá nợ và tài sản thế chấp; cho phép phần chênh lệch so với sổ sách được phân bổ trong 10 năm, đặc biệt là phần tài sản bảo đảm được xử lý khá tích cực. Bên cạnh đó, một số tiêu chuẩn về nợ xấu được quy định rõ ràng, cụ thể hơn, tạo điều kiện thuận lợi đối với hệ thống ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, Nghị quyết không chỉ giúp các ngân hàng giải quyết các tài sản tồn đọng không sinh lãi mà còn có thể mang lại các khoản lợi nhuận bất thường thông qua hoàn nhập dự phòng khi khoản nợ xấu được xử lý.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, khả năng thực thi một số quy định của Nghị quyết vẫn gây nhiều băn khoăn. Các chuyên gia cho rằng, cần bổ sung các văn bản nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ.
“Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho thị trường từ nay đến cuối năm, Chính phủ phải quản lý chặt nợ vay dưới chuẩn. Bên cạnh đó, cần nâng trách nhiệm của các ngân hàng có vấn đề” - TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ.