Cơ hội vàng với Việt Nam sau Covid-19?
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế trong bối cảnh hậu Covid-19, nhất là đối với lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, Việt Nam cần gì để nắm bắt cơ hội này là vấn đề đặt ra.
Tổn thất từ dịch Covid-19
Diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19, đã tạc động xấu đến kinh tế Việt Nam, nhiều tổn thất, khó khăn đối với tất nhiều ngành nghề. Điển hình là lĩnh vực du lịch, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn góp và mua cổ phần…
Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới. Cụ thể, tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37.600 DN đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% về số DN, giảm 17,9% về vốn đăng ký, giảm 29,7% về số lao động và giảm 5,5% về vốn bình quân/doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, khoảng 42% số DN được khảo sát gặp khó khăn trong kinh doanh quý I/2020; 25,9% số DN dự báo kinh doanh trong quý II/2020 sẽ khó khăn hơn quý I/2020.
Kết quả khảo sát nhanh gần 130.000 DN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cuối tháng 4/2020 cũng cho thấy, khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019; trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động; trong 4 tháng đầu năm 2020, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019…
Theo kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua về thực trạng của cộng đồng DN, thì có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.
Cơ hội vàng cho FDI và xuất khẩu hàng hóa?
Bên cạnh những tác động xấu đến các lĩnh vực, đánh giá thực trạng tiềm năng nền kinh tế sau dịch Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, Việt Nam đăng đứng trước cơ hội vàng để phát triển. Trong đó, điển hình nhất là lĩnh vực thu hút FDI và xuất khẩu hàng hóa.
Theo TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư: Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch Covid-19, tạo ra một lợi thế cho Việt Nam trong khi các nước khác đang gặp khó khăn. Điều này góp phần xây dựng và củng cố lòng tin nơi các nhà đầu tư nước ngoài. Và là cơ hội lớn đề dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam.
TS. Thắng phân tích, trong mắt các nhà đầu tư là sự an toàn, khi nhìn thấy không chỉ người dân Việt Nam mà còn cả người nước ngoài đều được hưởng dịch vụ chữa bệnh tốt nhất trong điều kiện có thể.
“Các nhà đầu tư cũng nhìn thấy “cơ hội vàng” tại Việt Nam nhờ có sự phát triển kinh tế liên tục trong các năm vừa qua, cụ thể là sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế. Trong tháng 4 vừa qua đã có các dấu hiệu tích cực về đầu tư nước ngoài” – TS. Thắng nhận định.
Việt Nam luôn coi đầu tư nước ngoài là một cấu thành quan trọng của nền kinh tế để phát triển. Tất cả đang góp phần tạo nên cơ hội vàng cho Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy và dòng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm.
Tuy nhiên, TS. Phan Hữu Thắng cũng lưu ý, để tận dụng cơ hội trong thu hút FDI, Việt Nam cần phải thực hiện nhiều việc, trong đó cần có nhiều nhiều chính sách, sự hỗ trợ để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài. Việc thay đổi, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách theo đúng định hướng thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc... là những việc cần thiết.
Đánh giá về những cơ hội trong xuất khẩu hàng hóa, TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, rõ ràng cơ hội đang mở ra trong xuất nhập khẩu nhưng nó còn phụ thuộc vào các yêu tố mà Việt Nam có nắm rõ được không.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 2 yếu tố: Sức mua của thị trường toàn cầu và mức độ cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu mặt hàng tương tự. Xét trên 2 yếu tố này, hiện tại cầu vẫn yếu, cung thì trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, Việt Nam được lợi một chút khi sản xuất ở các nền kinh tế đối thủ bị đình đốn, nhưng đến quý II/2020, khi cầu ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu sụt giảm đột ngột thì cung cũng bị ảnh hưởng theo.
Khi các nền kinh tế lớn của thế giới khởi động trở lại sau dịch, nguồn cung của thế giới cũng sẽ gặp khó khăn. Nêu vấn đề này, TS. Trang viện dẫn, Trung Quốc bắt đầu khởi động lại nền kinh tế, và các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc sẽ dùng giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh. Từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, các nhà xuất khẩu sẽ e ngại rủi ro đến từ việc "tập trung trứng vào một rổ", và có sự điều chỉnh các ngành nghề thiết yếu đang phụ thuộc vào nước ngoài.
Sẽ có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang đa dạng hóa thị trường sản xuất, và nhiều nền kinh tế sẽ chuyển dịch nhà máy sản xuất về gần nước mình hơn. Thậm chí có nhiều nước còn hỗ trợ để nhà đầu tư quay về thị trường bản địa. Do đó, các nhà xuất khẩu không chỉ bị cạnh tranh với các nhà xuất khẩu ở nước khác mà còn chịu sức ép cạnh tranh ở chính thị trường nội địa bởi ngành sản xuất nội địa của nước bản địa đang lớn dần lên.
Lạc quan về cơ hội xuất khẩu hàng hóa sau dịch Covid-19, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, sau dịch ngành thủy sản xuất khẩu sẽ có những cơ hội nhất định. Đặc biệt, khi EVFTA được thực thi doanh nghiệp thủy sản sẽ có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU.
“Bởi lẽ EU là thị trường quan trọng với thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA” - ông Hòe lý giải.