Có kìm được lãi suất vay?
Lãi suất huy động lẫn cho vay đang thay đổi theo chiều tăng khiến doanh nghiệp(DN) lo ngại những tháng cuối năm chi phí tài chính sẽ còn nặng gánh hơn. Với CPI đang nhích lên và tỷ giá được dự báo có biến động nhẹ, các ngân hàng có kìm hãm được dòng lãi suất mới hoặc nỗ lực “thắng” lại lãi suất sẽ bất thành?
Thống kê của NHNN tính đến trung tuần tháng 7 cho thấy lãi suất huy động của một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã “điều chỉnh nhẹ”. Cụ thể, theo NHNN, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 -1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng…
Xu hướng tăng
Thực tế, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) hiện vẫn đang áp dụng mức lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng đã cao hơn mức NHNN ghi nhận chung cho thị trường như CB, khoảng 8%. Vào trung tuần tháng 7, VPBank điều chỉnh lãi suất ở các khoản tiền gửi có kỳ hạn như Tiết kiệm online tăng từ 7,6%/năm lên 7,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng với khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.
Còn theo hình thức thông thường, lãi suất tăng từ 7,4%/năm lên 7,7%/năm. TPBank cũng áp dụng mức lãi suất 7,9% như VPBank với gói tiết kiệm Tài Lộc. Với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất cao nhất 7,6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng… Các ngân hàng như Sacombank, TP Bank cũng đều công bố biểu lãi suất mới dành cho các chương trình cụ thể…
Trong xu thế lãi suất huy động tăng, một số NHTM cũng vừa có động giảm nhẹ biểu lãi suất, tuy nhiên mức giảm không đáng kể. Điển hình VCCB (Bản Viêt) đã điều chỉnh giảm lãi suất Online từ 7,6% xuống 7,5%. Đây vốn đã là mức tiền gửi tiết kiệm Online cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Riêng Techcombank thì sau cú điều chỉnh lãi suất đột biến hồi tháng 6 từ 6,4% lên 7,8%, đã vừa điều chỉnh xuống 6,7%. Động thái này được thị trường hình dung tương tự việc giảm và tăng giá trong ngành xăng và rốt cục lãi suất huy động thực tế vẫn tăng so với biểu cũ ít nhất 0,3%.
Một tín hiệu cho thấy lãi suất huy động có thể sẽ còn tăng là Vietcombank cũng vừa áp mức lãi suất huy động mới tăng 0.1% đối với các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng. Tu biểu lãi suất của Vietcombank còn thấp hơn so với biểu lãi suất các NHTM đang áp dụng, nhưng thị trường đều nhìn nhận có thể tới đây, Vietinbank hoặc BIDV cũng sẽ công bố lãi suất mới điều chỉnh để giữ và cạnh tranh huy động các khoản lớn.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng với diễn biến lạm phát đang tăng nhanh hơn kỳ vọng (2,4% so với 0,6% cùng kì năm ngoái, tính đến hết tháng 6/2016), lãi suất huy động có thể sẽ không dừng ở mức chung mà NHNN đang ghi nhận. Đây cũng chính là thách thức của việc điều hành tiền tệ vào những tháng cuối năm.
Doanh nghiệp sẵn sàng gánh chi phí lãi vay mới?
Trong thách thức của điều hành tiền tệ, những yếu tố khó cân bằng giữa lãi suất và rủi ro lạm phát đang đến ngày càng gần. Cụ thể: Giá xăng, giá vàng thế giới đang tăng trở lại khiến giá vàng trong nước và tỷ giá cũng có xu hướng tiếp tục chịu biến động; hay tác động điều chỉnh giá theo lộ trình của các lĩnh vực trong rổ hàng tính CPI như y tế, hay điều chỉnh mùa vụ như giáo dục… Quan trọng nhất, nhu cầu vốn để đầu tư sẽ có điểm rơi ở hai quý cuối năm, thời điểm cầu tín dụng tăng vọt, sẽ khiến lãi suất vay ít dư địa điều chỉnh, sẽ càng ít hơn.
Ông Huỳnh Trung Minh, Chuyên gia ngân hàng nhận định, tình hình này lãi suất huy động có thể sẽ còn tăng nhẹ để các NH chạy đua tăng dự trữ thanh khoản. Tuy nhiên, một khi NHNN đã nỗ lực để kiềm chế lãi vay với kì vọng nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ cầu tín dụng, nhưng cân bằng và ổn định được mục tiêu lạm phát, lãi vay sẽ không thể tăng quá nhanh.
Hiện tại, theo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, 9-10%/năm áp dụng cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5-6%/năm. Riêng lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,2%/năm… Như vậy, hiện tượng nhiều DN và người tiêu dùng phản ánh các khoản vay của họ đang nhích tăng ở mức 11% và trên 11% thực tế đã diễn ra, nhất là với các khoản vay mua sửa chữa, đầu tư nhà ở (thường là các khoản vay trung và dài hạn).
Một chuyên cho rằng việc lãi suất vay tăng nói riêng ở lĩnh vực BĐS là tất yếu. Bởi các NHTM đang đẩy mạnh tín dụng địa ốc, tranh thủ trước thời điểm các quy định trong Thông tư 06 (sửa đổi Thông tư 36) có hiệu lực. “Các DN, đặc biệt là DN địa ốc đang tính toán đến các kênh huy động khác như trái phiếu, cổ phiếu… để giảm nhẹ gánh nặng chi phí tài chính khi NHTM tăng lãi suất cho vay và giảm tỷ lệ cho vay trung vài dài hạn tới đây”, ông này nói.
Đối với khối DN sản xuất, xuất khẩu, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trựcHiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận định để “lách” lãi vay, trước nay nhiều DN vẫn vay ngoại tệ (dưới mức 5%). Tuy nhiên, sự biến động của tỷ giá với các đồng tiền chính như EUR, USD, bảng Anh… sau Brexit cũng đang khiến các DN gặp khó khăn kép khi xuất khẩu vào châu Âu giảm mạnh lãi suất vay ngoai tệ của các NHTM ở VN cũng đã tăng lên, kịch trần trên 6%/ năm, là mức lãi vay “không “dễ chịu” nếu cộng thêm biên độ trượt giá VND/USD dự kiến từ 1-3%.“Lãi vay ổn định trung và dài hạn dưới 10% cơ bản vẫn là mơ ước của các DN. Điều đó lí giải vì sao số lượng DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đều đặn tăng những tháng gần đây, dù nền kinh tế đã được đánh giá là hoàn hồi phục”.