Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước: Đường dài mới biết ngựa hay

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn đã nhỡ hẹn cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2013 nay lại rục rịch khởi động tiếp lộ trình đã vạch ra. Điều đó thắp lên hy vọng về một trang mới ấn tượng hơn của giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) và diện mạo DNNN sau sắp xếp lại…

Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước: Đường dài mới biết ngựa hay
Sau một thời gian lỗi hẹn niêm yết, Ngân hàng BIDV đã chính thức có mặt trên sàn chứng khoán với mã BID. Nguồn: internet

Mở hàng năm mới 2014, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sau một thời gian lỗi hẹn niêm yết, đã chính thức có mặt trên sàn chứng khoán với mã BID và mức giá chào sàn không thấp: 18.700 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá nhỉnh hơn 100 đồng so với giá chào bán lần đầu ra công chúng năm 2010, tức cách đây 3 năm.

Từ hiện tượng BIDV

Sau màn chào sân hoành tráng BID liên tục điều chỉnh giảm xuống mức giá thấp nhất tính đến thời điểm chốt phiên 11/2/2013 là 16.900 đồng/cổ phiếu.

Với giới chuyên môn, giá BID sụt giảm là điều có thể dự đoán được bởi nếu nhìn trên mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng - nhóm cổ phiếu vua một thời - thì BID được định giá khá cao. “Cho dù BID là ngân hàng lớn trong 4 ngân hàng trụ cột của Việt Nam, có tổng tài sản lớn và có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước nắm giữ cao, nhà đầu tư cũng sẽ không nhìn vào những ưu thế này để mua nhiều BID với mức giá cao hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần vừa có thị giá thấp vừa có các chỉ số ROA và ROE hấp dẫn hơn. Mức bốc hơi mấy nghìn tỉ đồng vốn hóa thị trường của BID chỉ sau một thời gian ngắn niêm yết đã cho thấy không phải cứ DNNN khủng nào có mặt trên TTCK là nhà đầu tư sẽ “ào ào” đổ vốn quan tâm như trường hợp GAS (Tổng công ty cổ phần Khí Việt Nam)", một chuyên gia nhận xét.

Nhưng nếu GAS là một tiền lệ ngoại lệ, tới đây liệu sẽ có những trường hợp nối tiếp sau hay không, khi hàng loạt cái tên dự kiến chào hàng đều là những DNNN lớn, kinh doanh trong những lĩnh vực cũng hết sức đặc biệt như VietnamAirlines hay có thể là VNPT và Mobifone…?

Ngoài VietnamAirlines, sẽ có rất nhiều DN thuộc bộ, ngành khác nhau như một số DN xăng dầu, DN thuộc Bộ Giao thông, Bộ Xây dựng... như Viglacera, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Vinamotor, Tập đoàn dệt may Việt Nam... tiếp tục lộ trình cổ phần hóa.

Bên cạnh những DN đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác đầu tư chiến lược cho IPO và một số DN đã tiến hành đăng kí thoái vốn ở các DN thuộc lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, cũng sẽ có những DN chuyên kinh doanh vốn như SCIC sẽ sắp xếp lại danh mục đầu tư của mình,  thoái vốn ở nhiều DNNN. Có thể nói chung quy là có một lượng hàng khủng, bao gồm hàng mới, hàng cũ chờ  ra mắt và luân chuyển trong vòng xoáy cổ phần hóa – IPO – thoái vốn/ tái cơ cấu danh mục.

Cơ hội hay thách thức?

TTCK Việt Nam tuy đang nhắm mục tiêu đạt vốn hóa thị trường khoảng 50% GDP quốc gia, song sau một giai đoạn bốc hơi lượng vốn hóa lớn, vẫn đang bị các nhà đầu tư lớn “chê” là quy mô còn khiêm tốn.

“Đối với những nhà đầu tư lớn, tổ chức đầu tư… những người tìm kiếm các cơ hội, tiềm năng IPO DNNN là sẽ có thêm nhiều hàng hóa để lựa chọn. Tuy nhiên nếu  nhà đầu tư nhỏ không cần thật thì có thể sẽ bị “lũ” thị trường cuốn đi nếu dòng tiền chỉ lo tập trung vào một nhóm nào đó và thị trường sẽ bị tác động tiêu cực và sự phân hóa sẽ rõ nét”, ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng Phân tích Tư vấn Đầu tư Công ty chứng khoán TNHH Maybank Kimeng dự đoán.

Hiện tại, theo quan sát của những nhà đầu tư lâu năm trên TTCK, đã và đang có một dòng tiền lớn chảy vào tài khoản của một số các tổ chức, cá nhân, “rình” cơ hội. Dòng tiền này chưa thực sự vận động mạnh và cũng không phải là động lực chính khiến VN-Index tăng điểm đầu năm. Thậm chí, sự gia tăng thanh khoản ở HoSE và HNX những phiên đầu tháng 1 tới nay, theo các nhà đầu tư chủ yếu thuộc về động lực vốn của khối ngoại, cũng mới chỉ màn dạo đầu hứa hẹn những đợt bùng nổ của thị trường nếu thực sự thị trường có thêm hàng khủng.

“Một nguyên lí  bất dịch nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài luôn chờ đợi hàng hóa mới và giá trị lớn vì dòng vốn của họ lớn, mạnh và không thể mua lẻ tẻ lướt sóng” anh Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc một Quỹ đầu tư nhỏ cho biết. Đó có lẽ cũng là lí do khiến nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tuy đang bày tỏ mong muốn vào TTCK Việt Nam song hiện tại đa số vẫn chỉ tồn tại những quỹ nhỏ.

IPO ồ ạt các DNNN cũng có thể được xem là động lực để thị trường thu hút các quỹ hạng trung với dòng tiền khổng lồ.

IPO ồ ạt các DNNN vì vậy, đáng được xem là động lực để thị trường thu hút các quỹ hạng trung với dòng tiền khổng lồ, trên cơ sở cơ thể của thị trường sẽ hấp thụ được dòng tiền, tất nhiên nếu hàng hóa IPO phải thực sự được nâng cấp, không dừng lại ở đại đa số vừa và nhỏ.

Kỳ vọng và chọn lựa

Để sửa đổi vướng mắc nhằm tăng tốc cổ phần hóa DNNN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 189/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần trong đó có quy định linh động uyển chuyển vấn đề đối chiếu công nợ đối với DN đang tiến hành cổ phần hóa, thậm chí chấp nhận cả chưa đối chiếu công nợ, tuy nhiên, điều đó cũng chưa chắc sẽ gỡ được vướng mắc tâm lí của nhà đầu tư khi xem xét thông tin của một DN chào bán vốn trong nợ vẫn còn treo chờ hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh sắp tới.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương, hiện tại, khâu tăng cường quản lý, giám sát chuyển giao quyền sở hữu; giao mục tiêu, chỉ tiêu ngay từ đầu cho các DNNN đang còn khá yếu. Cầu nối giữa chủ sở hữu và các DN cũng là lổ hổng trong khối DNNN. Một khi chuyển đổi loại hình quản lí sang DN cổ phần, với dàn các bộ cơ bản vẫn là cán bộ Nhà nước cũ và DN chưa thết lập được cơ chế, năng lực chuyên trách, khả năng trám lổ hỗng giữa các nhà quản lí với chủ sở hữu (bao gồm Nhà nước ở những DN còn vốn Nhà nước và chủ sở hữu mới) cũng chưa liệu sẽ được cải thiện bao nhiêu?

Chưa kể, trước đây, theo quy định của Bộ Tài chính, sau 3 tháng  cổ phần hóa, DN phải niêm yết trên sàn. Song thực tế vẫn có những DN dù đã IPO nhưng vẫn vắng mặt trên sàn cả mấy năm trời như 5 năm chậm niêm yết của Sabeco hay 3 năm mới đánh cồng ra mắt của BID… cũng là một thực tế cản trở cơ hội tiếp cận của nhà đầu tư.

Vì lẽ đó, ông Phan Dũng Khánh cho rằng nhà đầu tư khôn ngoan chắc chắn sẽ chỉ chọn những DN có nền tảng cơ bản bền vững, kinh doanh ổn định nhiều năm, thị phần trong ngành lớn, sản phẩm luôn có sự sáng tạo, hướng đi rõ ràng, phát triển vững chắc và có sự minh bạch, công khai thông tin. Những DN chưa có kết quả kinh doanh khởi sắc và đường hướng kinh doanh dài lâu thì cho dù có bán vốn giá rẻ, thậm chí muốn bán vốn toàn phần qua đường M&A, vẫn khó tìm được đối tác và nhà đầu tư bỏ vốn. Điều đó cũng đồng nghĩa khả năng trang viết mới trong giao dịch của TTCK, của hoạt động M&A và diện mạo những DNNN lớn sau tái cấu trúc, rất có thể sẽ được đóng những điểm son rực rỡ. Chỉ có điều, điểm son không bao giờ dành cho tất cả mọi đối tượng và cơ hội thuộc về những ai biết chọn lọc hàng hóa IPO.

18/20/2014, Tổng công ty Xây dựng Thủy lợi 4 dự kiến đấu giá 1.803.046 cổ phần mở hàng IPO tại HSX với giá khởi điểm bằng mệnh giá.  20/2/2014, Viglacera dự kiến IPO 76.947.600 cổ phần (tương đương 25,07% vốn điều lệ) mức giá khởi điểm là 10.300 đồng/1 cổ phiếu. 21/2/2014, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng sẽ IPO 7.137.857 cổ phần tại HNX với giá khởi điểm 10.200 đ/1 cổ phiếu.

Quý I/2014, Vinatex dự kiến IPO. Cùng khoảng thời gian, Vinamotor của Bộ Giao Thông Vận tải đang được thúc giục sẽ thi triển lộ trình đấu giá. Riêng Bộ Giao Thông Vận Tải, sẽ có tới 11 Tổng công ty sẽ phải cổ phần hóa trong năm 2014 gồm: Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8, Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamoror), Vận tải thủy, Tư vấn thiết kế giao thông vận tải và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).