Cổ phần hóa: Không phải có tiền là làm được tất

Theo Linh Ly/thoibaonganhang.vn

Nhà đầu tư phải có ngành nghề kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp.

DN hoạt động trong lĩnh vực đặc thù cần có cổ đông chiến lược đặc biệt chứ không phải chỉ cần “tiềm lực tài chính”. Nguồn: Internet
DN hoạt động trong lĩnh vực đặc thù cần có cổ đông chiến lược đặc biệt chứ không phải chỉ cần “tiềm lực tài chính”. Nguồn: Internet

“Ai bỏ tiền nhiều thì trở thành nhà đầu tư chiến lược” và hệ lụy

Liệu số phận Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa (CPH) có như số phận của Công ty Dệt may Thắng Lợi trước đây? Từ một DN có thương hiệu trong ngành dệt may, nhưng sau CPH, thì khu nhà xưởng dệt may của Thắng Lợi biến thành khu phức hợp trung tâm thương mại và nhà ở.

Hay liệu có giống với Công ty Sở hữu công nghiệp INVESTIP vốn là một DN hàng đầu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tư vấn và đầu tư kinh doanh của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng sau CPH, nhà đầu tư nắm quyền chi phối áp cách quản lý mới không phù hợp với đặc thù của công việc khiến các luật sư trong công ty thôi việc hàng loạt. Luật sư ra đi là khách hàng đi theo họ, công ty chỉ hoạt động èo uột và rơi vào vòng kiện tụng “không cho luật sư bỏ việc”…

Hay Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Hưng Yên, sau CPH đã không hoạt động theo chức năng phục vụ nông nghiệp nữa mà trở thành “Bán lẻ hàng hóa khác trong các cửa hàng chuyên doanh”. Vậy là tỉnh Hưng Yên đã phải thành lập một đơn vị khác để làm nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh…

Những trường hợp này chính là bài học vì đã “chọn nhà đầu tư chiến lược không đúng”, theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN Bộ Tài chính. Ông Tiến cho biết, theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ, về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP đã quy định rất rõ nhà đầu tư chiến lược phải có các điều kiện: Có năng lực tài chính am hiểu lĩnh vực và ngành nghề mà DN hoạt động, có cam kết bằng văn bản về việc gắn bó lợi ích lâu dài với DN và hỗ trợ DN sau CPH về: chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị DN; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trường hợp nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết, vi phạm hạn chế chuyển nhượng theo quy định thì phải bồi thường mọi tổn thất xảy ra theo đúng hợp đồng cam kết và quy định của pháp luật hiện hành.

Nhưng thực tế, người có giỏi chuyên môn, người có kinh nghiệm lâu năm hoàn toàn có thể dẫn dắt DN thành công thì lại không đủ năng lực tài chính. Và thực tế khi tiến hành CPH, thường chỉ nhìn vào năng lực tài chính của nhà đầu tư nên ai bỏ tiền nhiều thì trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Trong quá trình CPH cũng “quên” không tuân thủ quy định nhà đầu tư phải cam kết bằng văn bản về việc gắn bó lợi ích lâu dài với DN, nâng cao quản trị DN, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tài chính của DN…

Chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng sau khi CPH xong thì nhà đầu tư chiến lược không “chung thuyền” nữa mà chuyển sang khai thác những lợi thế của DN, trong đó có lợi thế đất đai. Hay dẫn đến tình trạng hàng loạt người lao động, người giữ vị trí chủ chốt trong DN cũ bất đồng mà rũ áo ra đi. Tình trạng này đã gây ra hệ lụy không ít với quá trình CPH thời gian qua.

Cổ đông chiến lược phải cam kết bảo vệ thương hiệu

“Việc chọn DN đối tác, cổ đông chiến lược rất quan trọng, cổ đông chiến lược phải là người giúp DN hoạt động tốt hơn, họ phải là người phải gắn liền với hoạt động của DN, nhất là với những DN hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù, đặc biệt như văn hóa nghệ thuật, sở hữu trí tuệ, y tế, giáo dục, công nghệ cao…”, ông Tiến nhấn mạnh. Như vậy lĩnh vực đặc thù thì cần cổ đông đặc biệt.

Để đáp ứng yêu cầu CPH DNNN trong giai đoạn tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định thay thế các nghị định về chuyển DNNN về CTCP hiện nay, ông Tiến cho biết.

Trong dự thảo nghị định đã nêu rõ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược và quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết của nhà đầu tư chiến lược phải được thể hiện trong cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền. Như vậy, theo như dự thảo nghị định mới, theo ông Tiến, với những DN hoạt động lĩnh vực đặc thù, cổ đông chiến lược sẽ là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính kết hợp với người có năng lực chuyên môn cao, người am hiểu lĩnh vực mà DN hoạt động.

Chỉ đạo việc xây dựng dự thảo nghị định, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ rõ 4 mục tiêu mà nghị định mới phải hướng tới:

Thứ nhất là, không để quyền lợi Nhà nước bị xâm phạm, phải tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình, vô hình vào giá trị DN, như việc tìm cách tính thương hiệu, lợi thế thương mại, phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật, định giá đất đai…

Thứ hai, mục tiêu hướng tới đa sở hữu DN, là xu hướng vận hành của thị trường hiện đại nhưng CPH không thành tư nhân hóa, không để tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân một số ít người;

Thứ ba, là phải nâng cao hiệu quả và quản trị DN.

Thứ tư, phải bảo vệ lợi ích Nhà nước trong một số trường hợp quan trọng, ví dụ như giữ thương hiệu quốc gia. Phải quy định cổ đông chiến lược cam kết bảo vệ thương hiệu.

“Nhà đầu tư chiến lược trước hết phải có tư cách pháp nhân, có ngành nghề kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển DN khi được duyệt kế hoạch CPH và cuối cùng mới là vốn, chứ không nên quan niệm “có tiền là làm được tất”. Nếu nhà đầu tư khác ngành nghề thì phải có cam kết hợp tác với một đối tác chuyên nghiệp trong lĩnh vực hoạt động chính của DN”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có các điều kiện như:

Có đủ tư cách pháp nhân; Có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất phải có lãi, không có lỗ lũy kế;

Có cam kết bằng văn bản khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược trong việc: Tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH trong thời gian ít nhất ba năm; không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn ba năm; có phương án hỗ trợ DN sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực...;

Phải thực hiện các nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký.

(Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP về chuyển DNNN thành CTCP).