Cổ phiếu ngân hàng, dầu khí vẫn hút dòng tiền

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Dòng vốn ngoại đã quay trở lại trong thời gian gần đây với lượng mua ròng chủ yếu tập trung ở nhóm dầu khí và ngân hàng, khiến các nhà đầu tư kỳ vọng về một mức tăng trưởng cho hai nhóm cổ phiếu này trong quý III cũng như cuối năm 2019.

Dòng vốn ngoại đã quay trở lại với lượng mua ròng chủ yếu tập trung ở nhóm dầu khí và ngân hàng,Nguồn: Internet.
Dòng vốn ngoại đã quay trở lại với lượng mua ròng chủ yếu tập trung ở nhóm dầu khí và ngân hàng,Nguồn: Internet.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua quý II với nhiều khó khăn, hầu hết các cổ phiếu bluechip đều đi ngang hoặc giảm giá. Nguyên nhân của sự ảm đạm này đến từ nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến thị trường thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang.

Hiện, vẫn chưa có sự khởi sắc nhưng những thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là nhóm ngân hàng với những con số nghìn tỷ đồng được cho là sẽ hỗ trợ thị trường. Bên cạnh đó, rủi ro lớn nhất của thị trường đã tạm lắng, Trung Quốc và Mỹ đã quay trở lại đàm phán.

Lạc quan dòng vốn ngoại

Mới đây, thị trường tài chính đang xôn xao về sự kiện Ngân hàng Deutsche Bank tiến hành cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, đặc biệt là động thái giảm đầu tư vào thị trường vốn, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về một đợt bán tháo.

Tại thị trường chứng khoán Việt, Deutsche Bank đang quản lý Quỹ Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF có giá trị đầu tư hơn 300 triệu USD. Tuy nhiên, theo Bloombeg, ngân hàng này không hề có ý định giảm tình hình hoạt động của các quỹ mà sẽ chuyển giao cho Ngân hàng Banque Nationale de Paris (BNP).

Do đó, việc chuyển giao này sẽ khiến tương lai của các quý ETF tại Việt Nam rõ ràng hơn, giúp các nhà đầu tư quốc tế sẵn sàng "đổ tiền".

Bên cạnh đó, việc Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu giảm lãi suất vào cuộc họp cuối tháng 7/2019, khiến thị trường chứng khoán Mỹ xác lập mức đỉnh lịch sử, đặc biệt các quỹ ETF tại thị trường mới nổi và thị trường cận biên đã quay lại đà tăng và thu hút dòng tiền.

Theo CTCK Yuanta Việt Nam, các quý ETF sẽ được hưởng lợi đầu tiên nếu FED giảm lãi suất, qua đó thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt sẽ được cải thiện bắt đầu từ quý III/2019.

Thực tế, thời gian qua, dòng tiền ngoại cũng quay trở lại mua ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 và Quỹ Van Eck cùng với việc thặng dư USD tiếp tục gia tăng đã làm giảm tỷ giá USD/VND.

Đối với thị trường cổ phiếu, lượng mua ròng của khối ngoại cũng chủ yếu tập trung tại các nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường, đặc biệt là nhóm ngân hàng và dầu khí.

CTCK Yuanta cho rằng các doanh nghiệp ngành ngân hàng và dầu khí vẫn sẽ có mức tăng trưởng khả quan trong quý II và quý III/2019. Ngay cả khi thông tin GDP quý II vừa được công bố chỉ đạt 6,71%, thấp hơn so với cùng kỳ và quý trước khiến xuất hiện lo ngại về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết quý II kém khởi sắc, chưa kể còn suy giảm.

Đối với ngành ngân hàng, một kỳ vọng lớn mà thị trường đang chờ đợi chính là việc các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV) được tăng vốn và nới room sở hữu nước ngoài.

Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) vừa công bố danh mục cổ phiếu thành phần chỉ số VN30 kỳ tái cơ cấu tháng 7/2019 và có hiệu lực chính thức từ ngày 5/8. Theo đó BID (BIDV) và BVH (Tập đoàn Bảo Việt) là hai cổ phiếu được lựa chọn thay thế cho CII (CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) và DHG (Dược Hậu Giang).

co-phieu-ngan-hang-dau-khi-JPG-7452-1563

Cổ phiếu dầu khí, ngân hàng vẫn còn nhiều triển vọng

Triển vọng các ngành

Sau đợt cơ cấu này, BID và BVH sẽ chiếm tỷ trọng 0,9% trong rổ VN30. Với việc thêm BID, nhóm ngân hàng sẽ có 9 đại diện trong rổ VN30, bao gồm BID, CTG, EIB, HDB, MBB, STB, TCB, VCB, VPB với tổng tỷ trọng 31,6%, lớn gấp hơn hai lần tỷ trọng nhóm VIC, VRE, VHM (15%).

Hiện tại, VN30 là chỉ số tham chiếu của quỹ VFMVN30 ETF với quy mô danh mục gần 6.800 tỷ đồng. Ước tính VFMVN30 ETF sẽ mua vào khoảng 61,7 tỷ đồng cổ phiếu BID và 64,3 tỷ đồng cổ phiếu BVH.

Hiện, đã có khoảng một nửa số ngân hàng niêm yết công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với nhiều con số "kỷ lục", tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp. Nhiều dự báo cho rằng ngành ngân hàng vẫn có khả năng duy trì lợi nhuận ổn định trong giai đoạn 2019 – 2021.

Thực tế, nếu tính từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu ngân hàng cũng duy trì được mức tăng trưởng đều đặn dù cũng có giai đoạn đi xuống theo thị trường chung. Ngay cả cổ phiếu nhiều "thị phi" như EIB của Eximbank cũng duy trì được vùng đỉnh hơn 18.000 đồng/cp.

Đối với ngành dầu khí, trong báo cáo mới đây của CTCK VNDirect cho biết, nhiều dự án dầu khí lớn đang nằm trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhằm đảm bảo nhu cầu trong nước bới sản lượng các mỏ dầu hiện tại có thể giảm 15-30%/năm kể từ năm 2019 đã tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp dầu khí.

Giá dầu hiện tại đã tạo điều kiện thuận lợi cho PVN đẩy mạnh hoạt động thăm dò sau nhiều năm không chú trọng đầu tư. Chi phí khai thác dầu trung bình tại Việt Nam khoảng 45 USD/thùng trong 2018, thấp hơn dự phóng giá dầu Brent ở mức 65-70 USD/thùng trong năm 2019.

Các cổ phiếu dịch vụ dầu khí như PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đang được VNDirect đánh giá cao do sẽ được hưởng lợi sớm nhất từ sự hồi phục các hoạt động thượng nguồn tại Việt Nam.

Ngoài ra, VNDirect cũng khuyến nghị theo dõi PVD của PV Dirilling do công ty có thể được hưởng lợi từ giá thuê giàn hay PVT của Tổng CTCP vận tải Dầu khí (PV Trans) cũng sẽ tăng sản lượng vận chuyển, giá dầu trên 60 USD/thùng, cũng có lợi cho mảng dịch vụ dầu khí của PV Trans.