Cổ phiếu ngành Bảo hiểm: Kỳ vọng tăng trưởng từ Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Minh Lâm

Gần đây người dân đã tiếp cận nhiều hơn tới thị trường bảo hiểm, do sự gia tăng thu nhập và kiến thức sau giai đoạn mở cửa. Trong ngắn hạn, ngành bảo hiểm vẫn tăng nhẹ nhưng chưa có nhiều đột phá. Về dài hạn, thị trường bảo hiểm sẽ được nâng cao sức cạnh tranh và cơ hội phát triển vượt bậc nhờ yếu tố hỗ trợ đến từ Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong quý III khá tích cực.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong quý III khá tích cực.

Yếu tố pháp lý tạo đà phát triển dài hạn

Nhìn chung, Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, Dự án lần này bổ sung một số điều khoản mới để hướng dẫn cho các công ty bảo hiểm, đồng thời sửa đổi một số quy định trước đây để tránh nhầm lẫn khi áp dụng trong thực tế.

Cụ thể, các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm mà giao cho doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm (được quy định trong Điều 96). Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.

Các cơ quan quản lý khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm có bổ sung nội dung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Hướng dẫn chung này và các quy định liên quan tiếp theo sẽ rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các công ty bảo hiểm công nghệ (Insurtech) đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Điểm đáng chú ý nữa là việc đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu khắt khe hơn về việc công bố thông tin, có thể tạo có áp lực tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm nhất định, nhưng sẽ củng cố chắc chắn vị thế của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định một số lĩnh vực mà các công ty bảo hiểm không được đi vay để đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán, hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác, trừ trường hợp vay đối với trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc kho tàng.

SSI Research cho rằng, Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm lần này là một bước tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành Bảo hiểm. Kỳ vọng Luật Kinh doanh bảo hiểm mới không chỉ giúp các doanh nghiệp phát triển tốt hơn trong thời gian tới mà còn tạo ra làn sóng M&A giữa các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhóm châu Âu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, các quy định này có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, tạo một khoảng thời gian đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023 – 2027).

Thời điểm tích lũy cho góc nhìn trung hạn

Dự án Luật sửa đổi đã có tác động tích cực ngay lập tức tới thị trường bảo hiểm. Điều này được phản ánh vào mức tăng giá của nhiều mã cổ phiếu nhóm ngành Bảo hiểm ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trong phiên họp ngày 22/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Có thể kể đến một số mã như BIC tăng 1%, BMI tăng 3,5%, PVI tăng 2,3%, PTI tăng 4%, VNR tăng 10%...khi có thông tin về Dự án Luật.

Hiện tại, cổ phiếu ngành Bảo hiểm có xu hướng tăng giảm xen kẽ, nhưng giai đoạn này chính là thời điểm các nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu bảo hiểm cho góc nhìn trung hạn. Bởi yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu bảo hiểm vẫn còn. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong quý III khá tích cực khi báo lãi tăng trưởng hai con số. Thậm chí, có doanh nghiệp tăng trưởng 3 con số như Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (HOSE: PGI), tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý III/2021 tới 260% so với cùng kỳ năm 2020.

Các doanh nghiệp khác như Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (HOSE: MIG) ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 87% so với cùng kỳ, CTCP PVI (HNX: PVI) tăng 86%... Riêng đối với PVI, những cổ đông lớn vẫn đang liên tục đăng ký mua vào.

Mức tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm ngành Bảo hiểm là tương đối dễ hiểu khi Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giúp phục hồi lại hoạt động kinh doanh sau đại dịch. Các dự án đầu tư mới có giá trị lớn, hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh, đều làm gia tăng nhu cầu cho các loại hình sản phẩm phi nhân thọ...

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, yếu tố vĩ mô kinh tế phục hồi sẽ kéo theo nhu cầu cho các sản phẩm bán buôn như: bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hoá tăng cao. Nhóm bảo hiểm phi nhân thọ sẽ là nhóm bảo hiểm dễ phục hồi hơn, vì hầu hết các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ có thời hạn 1 năm và không có điều khoản chia lãi nên rủi ro rất thấp.

Ngoài ra, việc giãn cách xã hội trong quý III ở một số tỉnh thành khiến tỷ lệ bồi thường có thể giảm đáng kể trong những tháng cuối năm. Điều này sẽ tác động tích cực đến những doanh nghiệp có tỷ trọng sản phẩm bảo hiểm cá nhân lớn.

Dự báo, doanh thu ngành Bảo hiểm cả năm 2021 sẽ đạt 58.798 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2020.

Như vậy, triển vọng của các cổ phiếu bảo hiểm trong ngắn hạn dù chưa rõ rệt, nhưng về trung hạn và dài hạn thì có thể bứt phá mạnh và thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.