Yếu tố cộng hưởng giúp thị trường bảo hiểm tăng trưởng trong đại dịch COVID-19
Việc kiểm soát tốt dịch bệnh tạo điều kiện và môi trường ổn định cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) khôi phục, đẩy mạnh triển khai hoạt động kinh doanh; Bộ Tài chính luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng DN thông qua việc cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn… Đây là các yếu tố cộng hưởng giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong 10 tháng năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
10 tháng, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 169.527 tỷ đồng
Đánh giá về thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian qua, ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2020 và 10 tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm.
Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có giãn cách, cách ly xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mới, cũng như phục vụ khách hàng của các DNBH.
Tuy nhiên, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.
Cụ thể, theo Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, nối tiếp đà tăng trưởng, 10 tháng năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì kết quả tăng trưởng tích cực. Cụ thể, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 658.814 tỷ đồng, tăng 20,15% so với cùng kỳ năm 2020; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 543.468 tỷ đồng, tăng 22,58% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 431.118 tỷ đồng, tăng 22,32% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 153.586 tỷ đồng, tăng 33,07% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 169.527 tỷ đồng, tăng 14,77% so với cùng kỳ năm 2020.
Các DNBH đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng ước đạt 41.591 tỷ đồng, tăng 3,24% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, dự kiến, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm cả năm 2021 ước đạt 682.523 tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2020. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt khoảng 567.214 tỷ đồng, tăng 21,1% so với năm 2020. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm năm 2021 ước đạt 442.918 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2020.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 218.881 tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2020. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 156.124 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2020. Tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 53.056 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2020.
Bốn yếu tố cộng hưởng duy trì đà tăng trưởng cho thị trường bảo hiểm
Thị trường bảo hiểm Việt Nam duy trì mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là do các yếu tố cộng hưởng sau:
Một là, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng tạo điều kiện và môi trường ổn định cho các DN nói chung, DNBH nói riêng khôi phục, đẩy mạnh triển khai hoạt động kinh doanh.
Hai là, Bộ Tài chính luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng DN thông qua việc cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như có các chính sách hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm; hướng dẫn cụ thể về tạm ứng bồi thường nhằm hỗ trợ khắc phục nhanh chóng hậu quả tai nạn cho các nạn nhân thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; nâng mức trách nhiệm bảo hiểm...
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng thông tin thường xuyên, kịp thời đến các DN về định hướng nghiên cứu, xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), nhằm đảm bảo sự phát triển của thị trường trong dài hạn.
Ba là, về phía các DNBH đã rất chủ động trong việc thích ứng với hoạt động kinh doanh trong tình hình mới. Theo đó, các DNBH đã rà soát, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính và mở rộng các kênh phân phối, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng; đẩy mạnh các hình thức phân phối bảo hiểm trực tuyến; tăng cường giao dịch online với khách hàng; triển khai đa dạng các kênh thu phí trực tuyến và gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm trong giai đoạn khách hàng không thể đóng phí do giãn cách xã hội...
Cùng với đó, các DN cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện đào tạo đại lý, xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho đội ngũ kinh doanh và khách hàng…
Bốn là, về phía người tham gia bảo hiểm nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đã được nâng lên đáng kể trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Người dân đã chủ động hơn trong việc tiếp cận và tham gia bảo hiểm.
Tính đến tháng 10/2021, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 75 DN kinh doanh bảo hiểm; trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 02 DN tái bảo hiểm và 23 DN môi giới bảo hiểm và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.
Năm 2020, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm Việt Nam ước đạt 573.225 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2019; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 468.563 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2019. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 127.777 tỷ đồng, tăng 33,7% so với năm 2019. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 185.960 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2019; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 48.768 tỷ đồng.