Cổ phiếu nhỏ lọt vào tầm ngắm quỹ ngoại
Tuần qua, không ít cổ phiếu vốn vừa và nhỏ như PPS, VE1, CSC… đã thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư ngoại, với một loạt giao dịch mua bán thành công.
Trên thực tế, các quỹ nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam đều xây dựng các tiêu chí đầu tư khác nhau, cũng như tùy vào từng giai đoạn, từng thời điểm mà thay đổi chiến thuật.
CTCK BIDV (BSC) cho rằng, khi thị trường xuất hiện thêm nhiều quỹ nước ngoài lựa chọn các cổ phiếu vừa và nhỏ làm đối tượng đầu tư, sẽ khiến nhóm cổ phiếu này hấp dẫn hơn. Theo thống kê sơ bộ, kể từ tháng 7/2015 đến nay, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vận động tốt hơn các nhóm cổ phiếu khác nói riêng và toàn thị trường nói chung. Đây là điều đáng lưu tâm với hoạt động đầu tư trong năm 2016.
Dòng vốn ngoại quan tâm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính thanh khoản thấp, có thể xem là một “hiện tượng” đối với thị trường. Cụ thể, Quỹ ASEAN Deep Value Fund liên tục mua gom cổ phiếu PHH và CSC từ đầu tháng 2/2016, nâng tỷ lệ sở hữu lên 10,9% đối với PHH và 13,9% đối với CSC.
Hay Tổ chức America LLC mua một lượng không nhỏ cổ phiếu MTH và PPS, nâng tỷ lệ sở hữu lên lần lượt là 5,9% và 7,1%. Quỹ Calavi International Investment (Campuchia) cũng đã gom cổ phiếu VE1, nâng tỷ lệ sở hữu lên 22%...
Trước đó, ngày 15/2, Tổ chức đầu tư PYN Elite Fund (Non-Ucits), cổ đông lớn của CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON (FCN) đã mua thành công 287.860 cổ phiếu FCN, nâng tỷ lệ sở hữu từ 6,42% lên 7,05%.
Theo đăng ký mới đây, trong khoảng thời gian từ ngày 19/2 đến 19/3/2016, Andbanc Investments SIF VietNam Value And Income Portfolio đăng ký mua 700.000 cổ phiếu của CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG). Nếu giao dịch thành công, tổ chức này sẽ nắm giữ 3,98% vốn VFG.
Nhìn nhận về hiện tượng giao dịch của khối ngoại, ông Lê Sơn Tùng, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK Agriseco cho rằng, dòng tiền của các NĐT nước ngoài thường khá chọn lọc cổ phiếu, chứ không tập trung theo giá trị vốn hoá.
Nhìn vào giao dịch của khối ngoại trong tuần qua có thể thấy, dòng tiền ngoại mua những cổ phiếu nêu trên hầu hết là của cổ đông ngoại hiện hữu, chứ không phải dòng tiền đầu tư mới, nên đây có thể là hiện tượng đơn lẻ, không đại diện xu hướng đầu tư vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Mặc dù vậy, theo ông Tùng, trong thời gian tới, cơ hội sẽ đến với một số cổ phiếu vừa và nhỏ có triển vọng kinh doanh tốt, đặc biệt là các mã được hưởng lợi từ việc nới “room”.
Thực tế, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã có diễn biến giao dịch khá khả quan trong thời gian qua, trong khi đó, những mã giảm giá thì giảm ít hơn nhóm vốn hóa lớn, dù thị trường chung đi xuống. Nhìn lại diễn biến giao dịch của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong năm 2015, nhiều mã có giá tăng đột biến như MHC, TJC, TTF…, với mức tăng từ 50 - 150%.
Nhiều CTCK cùng chung nhận định, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ phù hợp với các nhà đầu tư lướt sóng và xu hướng đầu cơ tại nhóm cổ phiếu này trong những phiên vừa qua cũng là sự giải thích phù hợp đối với thực trạng của thị trường, khi mà nhóm cổ phiếu dẫn dắt chỉ số hạ nhiệt và thị trường thiếu vắng những thông tin vĩ mô hỗ trợ.
Trong nhịp sóng ngắn hạn này, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ tăng giá, nên không ít nhà đầu tư đã chấp nhận giải ngân. Tuy nhiên, các cổ phiếu vừa và nhỏ có tính rủi ro cao và thường kém minh bạch hơn so với các cổ phiếu lớn, nên các NĐT được khuyến nghị cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Trong ngắn hạn, hiện thị trường chưa có sự đồng thuận từ khối ngoại, khiến động lực tăng điểm của các chỉ số có dấu hiệu chậm lại và không loại trừ khả năng có những phiên điều chỉnh trong thời gian tới. Nhưng dựa trên quan điểm đầu tư dài hạn, ông Dương Văn Chung, Giám đốc Đầu tư, CTCK MB (MBS) cho rằng, các nhà đầu tư tổ chức sẽ có quan điểm chung về cơ hội lớn đối với thị trường trong dài hạn.
Với triển vọng sẽ có nhiều đợt tăng giá trong dài hạn, trong khi không ít nhóm cổ phiếu tốt hiện chưa “chạy” (tăng giá), thì dòng tiền thông minh tự khắc chảy vào, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng nằm trong số đó.