Cổ phiếu nhóm doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài chi phối: Trái đắng hay quả ngọt?
Những doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài chi phối luôn làm "xao động" thị trường mỗi lần lên sàn, bên cạnh những "quả ngọt" thì có không ít nhà đầu tư đã nếm phải "trái đắng".
Những "trái đắng"
Đầu tiên có thể kể đến cổ phiếu SKG của Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang. Thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng và phát triển thần tốc trong 10 năm lên mức vốn hóa trên 2.000 tỷ đồng vào thời kỳ đỉnh cao năm 2016, lúc bấy giờ, SKG được xem như một “công ty độc quyền” vận tải đường tàu cao tốc vào Phú Quốc – với kỳ vọng hòn đảo này trở thành casino đầu tiên cho người Việt.
Do kỳ vọng quá lớn, nên nhiều nhà đầu tư đã quên đi các rủi ro về mặt bản chất của SKG khi doanh nghiệp này có cơ cấu cổ đông hoàn toàn bị chi phối bởi các ông chủ người Malaysia.
Bên cạnh đó, một điểm không thể bỏ qua là toàn bộ tàu đều được đóng qua công ty liên quan tại Malaysia (Kaibuok Shipyard Bhd) - quê hương của các ông chủ trên – với chi phí không rõ ràng.
Và yếu tố thứ ba là SKG thậm chí phải trả trước hàng trăm tỷ tiền đóng tàu và bảo dưỡng qua Malaysia. Tất cả điều này hội tụ lại đều dấy lên một lo ngại rất lớn về rủi ro chuyển giá.
Như vậy, hẳn nhiều nhà đầu tư thông minh, cẩn trọng cũng sẽ tự hỏi rằng: “Nếu công ty độc quyền tốt như thế, thì vì động cơ gì họ lại muốn niêm yết công ty dù họ không có nhu cầu gọi vốn hay bất cứ thúc ép nào từ Chính phủ (?!)”.
Câu trả lời nằm ở vài tháng sau khi niêm yết, ban lãnh đạo SKG liên tục bán ra cổ phiếu, hầu như chưa bao giờ mua vào – một dấu hiệu xấu.
Đến nay, vốn hóa SKG đã giảm gần 70% xuống còn 645 tỷ đồng, lợi nhuận cả năm 2018 chỉ vỏn vẹn chỉ 3 tỷ đồng, bằng 1/60 so với hai năm trước đó. Đây là một bài học đắt giá cho những nhà đầu tư cả tin.
Trường hợp thứ hai là Công ty Cổ phần Seoul Metal Vietnam (mã SMV trên sàn OTC). SMV vốn là một nhà sản xuất đinh ốc vít siêu nhỏ gốc Hàn Quốc cho các doanh nghiệp sản xuất điện thoại, linh kiện như Samsung (chiếm 75% doanh thu của SMV) và khi thị trường chứng khoán đang ở trạng thái "mua là thắng" khoảng giữa năm 2017 thì SMV công bố rộng rãi rằng mình sẽ lấn sân sang mảng đinh ốc cho ô tô, rồi hứa hẹn rằng sẽ niêm yết trong quý 4/2017, thậm chí doanh nghiệp này còn chào bán cổ phần riêng lẻ thành công cho cả SCIC và nhiều tổ chức tài chính khác, thu hút uy tín và sự kỳ vọng đáng kể cho các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu soi vào cơ cấu cổ đông công ty thì khi đó có đến 60% cổ phần chi phối bởi công ty mẹ Seoul Metal Hàn Quốc. Đặc biệt, doanh nghiệp này phụ thuộc gần 90% doanh thu đến từ các công ty sản xuất Hàn Quốc lớn như Samsung, LG, và phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ công ty mẹ. Đáng chú ý là hàng loạt cổ đông nội bộ bán ra trước khi lên sàn.
Và rồi, chỉ sau vài tháng sau, SMV không những bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ chối cho phép niêm yết, mà còn ngừng công bố hẳn báo cáo tài chính quý. Giá cổ phiếu trên OTC giảm một mạch gần 60%, từ 45.000đ/cp xuống còn dưới 20.000đ/cp. Hơn nữa, kết quả kinh doanh của công ty cũng sụt giảm năm đầu tiên sau rất nhiều năm tăng trưởng, để lại một di sản xấu cho các cổ đông cả tin, có cả đơn vị SCIC nổi tiếng.
Gần đây, dù nhiều người kỳ vọng vào các đợt mua bán và sáp nhập (M&A), thoái vốn, tuy nhiên sau khi những thương vụ thành công, những công ty bị mua lại bởi khối ngoại không những không tốt lên, mà còn đi thụt lùi.
Trường hợp Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) và cả công ty nhỏ Siam Brothers Việt Nam (SBV) là những trường hợp kinh điển. Biên lợi nhuận gộp của các công ty này giảm đều theo thời gian, bất chấp biến động của nguyên liệu, dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư về chi phí đầu vào mà các công ty này bắt đầu nhập khẩu từ đối tác Thái Lan...
Như vậy, từ các trường hợp trên có thể thấy rằng, do sự thiếu tin tưởng vào thể chế, động cơ tư lợi, mô hình kinh doanh phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, đa số các công ty có ông chủ ngoại ở nước ta đều tiềm ẩn rủi ro rất lớn về việc chuyển giá, giao dịch nội bộ, thậm chí làm giả số liệu để bán được cổ phiếu ra nhanh chóng.
Vẫn có những điểm sáng
Dù vậy, nhìn một cách khách quan, vẫn có đâu đó những trường hợp doanh nghiệp FDI hạch toán đúng sự thật, kinh doanh hiệu quả cao, tạo việc làm và chi cổ tức hào phóng cho các cổ đông.
Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) là một ví dụ đặc biệt khi hàng năm công ty vẫn nhận được cổ tức gần 5.000 tỷ đồng đều đặn từ các gã khổng lồ FDI tương đối “đàng hoàng” như Honda Vietnam, Toyota, Ford.
Ngoài ra, SATRA Corp cũng là một dạng holdings đặc biệt tương tự như VEA khi công ty này nắm giữ 40% cổ phần của ông lớn Heineken Vietnam, thu lợi cổ tức 4.000-5.000 tỷ đồng mỗi năm, song những trường hợp này thường rất hiếm hoi và được xếp vào dạng “ngoại lệ”.
Tóm lại, thị trường chứng khoán luôn vận động liên tục, mọi quyết định mua bán còn dựa trên nhiều yếu tố và cơ hội luôn mở ra cho những nhà đầu tư có một triết lý đầu tư đúng đắn và biết kiên định với mục tiêu của mình. Trong đó, điều quan trọng mà các nhà đầu tư cá nhân cần phải ghi nhớ là cần tìm hiểu thật kỹ những doanh nghiệp, đặc biệt là triển vọng của họ trước khi giải ngân đầu tư vào cổ phiếu của những doanh nghiệp này, tránh đầu tư theo phong trào.