Cổ phiếu STB hậu tái cấu trúc: Cơ hội nhưng áp lực
Sau gần thập kỷ tái cơ cấu, bên cạnh triển vọng dài hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) vẫn đối mặt những thách thức liên quan chất lượng tài sản và hiệu quả vận hành.

Kết thúc là khởi đầu
2025 là năm cuối cùng trong lộ trình tái cơ cấu Sacombank (2015-2025), nhằm cải thiện tình hình tài chính và vực dậy sức sống của ngân hàng. Đề án này tập trung vào việc xử lý nợ xấu, tăng trích lập dự phòng, bán đấu giá tài sản đảm bảo, và tái cấu trúc tổ chức.
Trong đó, trọng tâm là việc xử lý 32,5% cổ phần đang bị phong tỏa tại VAMC, tương đương hơn 600 triệu cổ phiếu liên quan đến các khoản vay cũ của ông Trầm Bê và các bên liên quan.
Nhìn lại một thập kỷ qua, quá trình tái cơ cấu kéo dài đã khiến hoạt động kinh doanh của Sacombank chịu ảnh hưởng rõ rệt. Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng này thường xuyên thấp hơn trung bình Ngành, chỉ đạt khoảng 12%/năm so với mức 15%–17% của toàn hệ thống ngân hàng.
Đồng thời, Sacombank phải trích lập dự phòng lớn – chiếm khoảng 16% tổng thu nhập hoạt động – khiến lợi nhuận sau thuế của Sacombank nhiều thời điểm chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với các ngân hàng cùng quy mô như ACB.
Hiện, Sacombank đã trình phương án xử lý và hiện đang chờ phê duyệt đối với số cổ phần đang phong tỏa tại VAMC. Phương án xử lý nhiều khả năng sẽ được thực hiện thông qua phương thức đấu giá. Số tiền thu về sẽ được ưu tiên để thanh toán gốc và lãi vay trước khi ghi nhận thu nhập khác (nếu có).
Như vậy, để thu hồi được cả gốc lẫn lãi, giá bán ước tính phải đạt khoảng 33.162 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng chia sẻ, tổng lãi phải trả được tính đến năm 2024 là 57,6 nghìn tỷ đồng. Theo SSI Research, con số này bao gồm cả lãi và phí phạt chậm thanh toán.
Do đó, nếu Ngân hàng bán cao hơn giá vốn, phần chênh lệch nhiều khả năng sẽ được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ lãi vay còn lại. Nhìn chung, việc Sacombank có thể xử lý thành công khoản cổ phần tại VAMC sẽ giúp nhà băng này thoát khỏi “cái bóng” quá khứ, mở ra khả năng tiếp cận nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn và chi trả cổ tức.
Cùng với đó, Ngân hàng kỳ vọng thu hồi được các khoản nợ tại Khu công nghiệp Phong Phú với giá trị ước tính 3.200 tỷ đồng trong năm 2025, qua đó, ghi nhận hoàn nhập dự phòng đáng kể, hỗ trợ lợi nhuận.
STB – phù hợp nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao
Dưới góc nhìn đầu tư, cổ phiếu STB của Sacombank không chỉ là một câu chuyện về hồi phục tài chính, mà còn là biểu tượng của sự chuyển mình từ quá khứ "ám ảnh" bởi nợ xấu, sang một tương lai tăng trưởng bền vững và năng động hơn.
Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa nâng giá mục tiêu cổ phiếu STB lên 47.600 đồng/cổ phiếu trong năm 2026 – cao hơn 19,6% so với thị giá hiện tại.
Đây là một mức định giá hấp dẫn khi đặt trong bối cảnh STB có khả năng thoát khỏi "di sản" quá khứ và tái định vị mình như một ngân hàng thương mại cổ phần có nền tảng tài chính lành mạnh, chiến lược kinh doanh rõ ràng và dư địa tăng trưởng dài hạn.
Tuy nhiên, Sacombank vẫn phải đối mặt với một số rủi ro trong ngắn hạn. Trong quý I/2025, nợ xấu tăng lên mức 2,51% (từ 2,4% cuối năm 2024), trong đó chủ yếu là nợ Nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn. Dự phòng chung cũng tăng đột biến lên 1.400 tỷ đồng, vượt xa mức ước tính 180 tỷ đồng trước đó của SSI Research – phản ánh áp lực từ danh mục cho vay, đặc biệt là các khoản liên quan đến thị trường Mỹ và các ngành nghề dễ tổn thương.
Chi phí hoạt động vẫn là điểm nghẽn với tỷ lệ CIR ở mức cao, quanh 48,5%, phản ánh quá trình tái cơ cấu nhân sự còn tiếp diễn.
Ngoài ra, tiến độ xử lý cổ phần tại VAMC vẫn phụ thuộc vào quyết định từ NHNN. Trong trường hợp sự chậm trễ xảy ra, quá trình tái cơ cấu có thể bị kéo dài, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và tiến độ tiếp cận nhà đầu tư chiến lược.
Do đó, STB phù hợp với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn, sẵn sàng chờ đợi kết quả xử lý cổ phần tại VAMC, cũng như diễn biến chất lượng tài sản trong các quý tới.