Cơ quan thuế Bình Dương, Đồng Nai: Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp bị thiệt hại
(Tài chính) Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh.
Để giải quyết hồ sơ thủ tục cho DN bị thiệt hại, giúp họ sớm đi vào hoạt động sau vụ đập phá, nhiều cán bộ Cục Thuế Đồng Nai, Bình Dương... đã làm việc luôn cả ngày nghỉ.
Chính sách từ trung ương
Bộ yêu cầu cơ quan thuế, hải quan hỗ trợ các DN bị thiệt hại khôi phục hồ sơ thuế (hồ sơ khai thuế, miễn, giảm thuế, hoàn thuế, hồ sơ gia hạn nộp thuế...), hồ sơ hải quan (tờ khai hải quan, hồ sơ miễn, giảm thuế, hồ sơ hoàn thuế...) và các tài liệu, chứng từ phục vụ cho việc xác định giá trị bị thiệt hại.
Những công ty bị thiệt hại, số thuế được gia hạn là toàn bộ tiền thuế phát sinh đến thời điểm 30/4/2014 (chưa nộp ngân sách), nhưng số thuế được gia hạn này không vượt quá giá trị thiệt hại. Trường hợp chưa xác định được giá trị thiệt hại, sẽ căn cứ vào cam kết của DN. Thời gian gia hạn là 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
Những hàng hoá, dịch vụ bị thiệt hại không được bồi thường bảo hiểm sẽ được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp hoá đơn chứng từ bị mất, cháy thì cơ quan thuế thực hiện sử dụng chứng từ, tờ khai có liên quan lưu giữ ở cơ quan thuế để giải quyết cho DN.
Thực hiện miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho DN bị thiệt hại. Trường hợp đã nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa bị thiệt hại thì được hoàn tiền thuế đã nộp của hàng hoá bị thiệt hại. Sau khi ra quyết định miễn thuế, hải quan sẽ thực hiện hoàn thuế nhập khẩu đã nộp cho DN tương ứng với số thuế nhập khẩu được miễn hoặc thực hiện bù trừ tiền thuế theo yêu cầu của DN. Các DN cũng được miễn giảm tiền thuê đất, thuê hạ tầng tuỳ theo kết quả thẩm định mức độ thiệt hại.
Nỗ lực từ địa phương
Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Ngàn chia sẻ, địa phương này có số DN bị thiệt hại khá lớn. Theo đó, tổng số DN chịu thiệt hại trên địa bàn vào khoảng 198 đơn vị. Ngay sau khi sự cố đáng tiếc xảy ra, ông Ngàn cho biết Cục Thuế Đồng Nai đã ngay lập tức thành lập tổ giải quyết, hỗ trợ khó khăn cho DN. "Các cán bộ trong tổ đã đi kiểm tra thực tế tại từng DN. Ngoài việc động viên, chia sẻ khó khăn, chúng tôi còn triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ họ", ông Ngàn nói.
Ông Ngàn cũng cho biết, ngay cả khi chưa nhận được Thông báo của Chính phủ cũng như Công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, cơ quan này đã căn cứ vào danh sách DN bị thiệt hại do UBND tỉnh công bố và có văn bản hướng dẫn DN làm thủ tục kê khai, giảm trừ và gia hạn thuế. Với DN bị cháy hoá đơn thì trong thời gian chờ đợi in mới, Cục Thuế sẽ tạm thời bán hoá đơn cho họ.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có con số tự báo cáo thiệt hại ban đầu của các DN nên rất cần có một cơ quan đầu mối đứng ra thẩm định lại một cách chính xác và nhanh nhất nhằm làm cơ sở cho Cục Thuế quyết định mức độ miễn giảm cũng như gia hạn thuế cho DN.
Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, cơ quan này đã chủ động liên hệ với ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp để nắm bắt thông tin, đồng thời lập ra tổ thường trực tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc của DN bị ảnh hưởng. "Hiện nay, tất cả các DN trên đã khá yên tâm và đi vào ổn định sản xuất", bà Nga nói.
Ông Huỳnh Đình Trí, Phó Cục trưởng Thuế Bình Dương cũng khẳng định, cơ quan này đã thành lập tổ công tác chuyên trách. Hiện nay, Cục cũng đang tập trung hỗ trợ DN việc kê khai hoá đơn chứng từ để tiến hành gia hạn thuế...