Có thể chịu áp lực, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát
Nếu việc Mỹ áp thuế đối ứng với một số quốc gia, trong đó có mức lên đến 46% với hàng hóa từ Việt Nam được áp dụng từ 9/4/2025, thì sẽ tạo áp lực lên thị trường ngoại hối, nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn có dư địa kiểm soát.

Đã có "bộ đệm" cho thị trường ngoại hối
Hiện nay, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 28-30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Vì thế, với mức thuế 46%, hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng.
Hơn nữa, khi xuất khẩu gặp khó khăn thì có thể ảnh hưởng đến thặng dư thương mại của Việt Nam, gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ.
Hơn nữa, thị trường ngoại hối tại Việt Nam vẫn được dự báo chịu nhiều áp lực không chỉ từ chính sách thuế của Mỹ mới đây. Theo ThS. Phan Minh Hòa – giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam, sau năm 2024 nhiều biến động, tỷ giá USD/VND trong năm 2025 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân do chịu tác động trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ không thuận lợi, thế giới đang có nhiều rủi ro và sự bất định về mặt địa chính trị, chính sách thương mại và chính sách vĩ mô của các quốc gia.
Hơn nữa, ThS. Phan Minh Hòa cũng nêu, việc can thiệp mạnh hơn vào thị trường ngoại hối sẽ dẫn đến nguy cơ cao bị Mỹ dán nhãn là thao túng tiền tệ. Ngoài ra, việc can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối còn đòi hỏi phải có nguồn dự trữ ngoại hối lớn của quốc gia.
Theo một số nghiên cứu, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra khoảng 9,4 tỷ USD để ổn định tỷ giá. Dự trữ ngoại hối sau các đợt bán ngoại tệ hiện còn khoảng 80 tỷ USD.

Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBankS, trong bối cảnh hiện nay, nếu NHNN can thiệp bằng cách bán dự trữ ngoại hối, tỷ giá USD/VND có thể tăng 3-5% trong năm 2025. Nên điều này đòi hỏi NHNN phải điều hành linh hoạt hơn để ổn định thị trường ngoại hối.
Cũng liên quan đến tỷ giá, ông Phạm Lưu Hưng - Giám đốc SSI Research nhận định, VND đã điều chỉnh giảm giá so với USD trong một thời gian dài trước đó, nên đã tạo ra một "bộ đệm" cho thị trường ngoại hối, giúp áp lực điều chỉnh tỷ giá trong ngắn hạn có thể không quá mạnh.
Nên theo ông Hưng, tỷ giá vẫn là yếu tố cần theo dõi, nhưng NHNN có khả năng kiểm soát trong ngắn hạn nhờ các công cụ chính sách hiện có.
Chiến lược ứng phó linh hoạt, chủ động
Đồng quan điểm, ThS. Phan Minh Hòa cho rằng, NHNN cần theo dõi sát các diễn biến của thị trường, điều hành tỷ giá linh hoạt và khéo léo để cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định các cân đối vĩ mô.
Chia sẻ thêm về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, theo TS. Lê Hồng Hạnh – Giảng viên Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam, xuất khẩu vốn là lĩnh vực được ưu tiên, nhưng cần tiếp tục hỗ trợ về vốn vay, giảm lãi suất cho doanh nghiệp cải thiện dòng tiền.
Nhưng TS. Lê Hồng Hạnh Lưu ý, nếu cung tiền tăng quá mức, lạm phát có thể vượt ngưỡng, đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu lên. Vì thế, ngành Ngân hàng có thể chọn cách tiếp cận linh hoạt, đó là vừa duy trì hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó, vừa mở rộng tín dụng sang các lĩnh vực ít rủi ro hơn.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Mỹ áp mức thuế đối ứng lên tới 46% có thể gây bất ngờ lớn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng cụ thể vẫn phụ thuộc vào phản ứng chính sách kịp thời của Chính phủ.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trong bối cảnh này, sự linh hoạt và chủ động của Việt Nam sẽ là yếu tố then chốt để biến thách thức thành cơ hội.
Nếu có chiến lược ứng phó hiệu quả, nước ta không chỉ giảm thiểu thiệt hại mà còn có thể tận dụng để tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây được xem là bài kiểm tra quan trọng đối với khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động.