Có thể nghĩ đến phục hồi nhịp độ tăng trưởng kinh tế
(Tài chính) Trong điều kiện hiện nay của chúng ta bắt đầu cho phép có thể nghĩ đến chuyện phục hồi nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Xin trích đăng ý kiến của GS.,TS. Vương Đình Huệ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội
tỉnh Bình Định
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định phát triển nhanh và bền vững. Sau đó, Nghị quyết 11 của Chính phủ, Kết luận 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa XI) đã điều chỉnh mục tiêu là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì mức tăng trưởng mức hợp lý, ổn định bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội. Tôi thấy việc điều chỉnh này là cần thiết.
Khi chúng ta làm các chỉ tiêu của Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, mặc dù Quốc hội đã có điều chỉnh so với Nghị quyết của Đại hội XI nhưng tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng ở quy mô và mức độ mà chúng ta không lường hết được, và không phải chỉ có ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng vậy.
Lúc đó, chúng ta dự báo sẽ có tác động, nhưng không nghĩ mức độ tác động lại ghê gớm như thế, nhất là kinh tế của ta có độ mở rất cao với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 150 - 160 lần tổng GDP. Do đó, chúng ta buộc phải chuyển từ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững sang mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là sự điều chỉnh cần thiết và đúng hướng. Chúng ta không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng. Mong muốn của chúng ta là phát triển nhanh nhưng trong bối cảnh như vậy thì không thể nào phát triển nhanh được.
Tôi đồng ý với đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 -2015. Về cơ bản chúng ta đã đạt được các chỉ tiêu đề ra. 3 chỉ tiêu quan trọng nhất chưa đạt kế hoạch là tăng trưởng, tổng mức đầu tư toàn xã hội và giải quyết việc làm, mặc dù trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì kết quả đạt được là rất quý. Và so với mục tiêu đã điều chỉnh, như đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, thì chúng ta cơ bản đạt được: ổn định được kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, việc kiềm chế được lạm phát là một điểm sáng của kinh tế vĩ mô nước ta, giảm từ mức 18,3% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012 và năm nay dự kiến còn khoảng 7%. Như vậy, lạm phát không còn là nỗi ám ảnh, nỗi lo thường trực như trước đây nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải hết sức đề phòng việc lạm phát có thể tăng cao trở lại. So với mục tiêu đã được điều chỉnh thì rõ ràng những thành quả đạt được là quan trọng và đúng hướng.
Với mục tiêu tổng quát 2 năm còn lại của giai đoạn 2011 - 2015 và năm 2014, chúng tôi đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Những thành tích chúng ta đạt được về kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm vừa rồi cho phép chúng ta có một vài điều chỉnh của 2 năm còn lại: một là tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; hai là chuyển từ nội hàm kiềm chế lạm phát thành kiểm soát lạm phát.
Đây hoàn toàn không phải là chơi chữ mà là sự chuyển đổi mục tiêu: chúng ta chuyển xử lý vấn đề lạm phát từ bị động sang chủ động. Trước đây ta đặt ra mục tiêu kiềm chế lạm phát có nghĩa phải ép lạm phát xuống, còn kiểm soát lạm phát thì phải có mục tiêu. Mục tiêu cho năm 2014 là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7% - ở đây đã có sự tính toán hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu lạm phát, chuyển từ thế bị động sang chủ động hơn.
Trong mục tiêu tổng quát năm 2014 có một điều chỉnh nữa, đó là chúng ta chuyển sang phục hồi nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Còn về mục tiêu an sinh thì có bổ sung cho đầy đủ hơn đó là bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội và nâng cao đời sống của người dân. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với mục tiêu nêu trên. Trong điều kiện hiện nay của chúng ta bắt đầu cho phép có thể nghĩ đến chuyện phục hồi nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Nếu lần này Quốc hội biểu quyết được mục tiêu này thì cũng sẽ tạo ra niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, phát ra thông điệp: tập trung mọi nỗ lực để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, giải phóng lực lượng sản xuất để phục hồi nhịp độ tăng trưởng kinh tế.
Để phục hồi nhịp độ tăng trưởng kinh tế thì bài toán quan trọng là huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Với tính toán mức tăng trưởng GDP như vậy, ngoài yếu tố tăng năng suất lao động tổng hợp thì hiện nay nền kinh tế nước ta vẫn còn phụ thuộc vào vốn. Theo tính toán, với mức tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện nay thì mức phụ thuộc vào vốn khoảng 65 - 80%. Trong bài toán huy động vốn, tôi tán thành 2 năm tới, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 31 - 32% GDP.
Riêng năm 2014, đề nghị Chính phủ, Ủy ban Kinh tế rà soát tổng mức đầu tư toàn xã hội, vì nếu đặt mục tiêu tổng mức đầu tư toàn xã hội 29,4% như trong Báo cáo thì khó đạt được mức tăng trưởng GDP 5,8%. Nếu tổng mức đầu tư toàn xã hội ở mức 29,4%, việc đạt tăng trưởng GDP 5,5% đã là khó, vì chúng ta đã bắt đầu có yếu tố về năng suất lao động tổng hợp. Nhưng quá trình chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu cần có thời gian, chứ không thể thực hiện ngay được.
Vậy nên, theo tôi, tổng mức đầu tư toàn xã hội phải đạt mức 30 - 31% GDP. Và trong cân đối đầu tư toàn xã hội, đề nghị rà soát xem chúng ta đã tính phần đầu tư từ nguồn thu sổ xố kiến thiết được để lại cho các địa phương chưa? Số tiền đưa vào đầu tư từ sổ xố kiến thiết là khá lớn, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Rà soát xem đã tính phần các địa phương đã phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương chưa?
Gần đây một số tỉnh có khả năng thu ngân sách tốt và có khả năng trả nợ đã bắt đầu phát hành trái phiếu địa phương. Theo tôi việc này là cần thiết vì hiện nay trong tổng nợ công thì nợ chính quyền địa phương chưa tới 1%. Một số tỉnh có tiềm năng lớn, nhất là về đất đai, trong giai đoạn này có thể trầm lắng nhưng tương lai sẽ phục hồi thì phải tìm cách để tăng đầu tư. Những yếu tố này sẽ góp phần tăng thêm tổng mức đầu tư toàn xã hội.
Với các yếu tố tác động đến việc giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tôi đề nghị rà soát phần các ngân hàng, tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp thì có bị tính trùng trong tổng mức đầu tư không? Ví dụ, một doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng mua trái phiếu này thì chúng ta tính vào tín dụng một lần. Đến khi doanh nghiệp mang tiền này để đầu tư vào các công trình thì chúng ta lại tính đây là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước một lần nữa - có tính trùng chỗ này không?
Theo thông lệ, phần tín dụng của nền kinh tế có tính phần các ngân hàng đầu tư mua vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp hay không?... Do đó, phải rà soát rất kỹ tổng mức đầu tư toàn xã hội và cố gắng bảo đảm được mức 30 - 31% năm 2014.