Còn nhiều tồn tại trong phân bổ vốn đầu tư công của các địa phương
Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 tuy đã được các địa phương vào cuộc triển khai nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, chưa tuân thủ nguyên tắc về phân, giao kế hoạch vốn đầu tư.
Còn nhiều tồn tại trong phân bổ vốn
Đầu tư công có vai trò là “vốn mồi”, dẫn dắt đầu tư tư nhân, góp phần khơi dậy tiềm năng to lớn trong Nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội. Với ý nghĩa quan trọng đó, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công luôn được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy vai trò của nguồn vốn này.
Tại Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 về giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các địa phương là 546.659,228 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 432.348,9 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương đầu tư theo ngành, lĩnh vực và chương trình mục tiêu quốc gia là 114.310,328 tỷ đồng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 cho các địa phương theo tổng số từng nguồn vốn, giao các địa phương phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn của từng dự án.
Để đảm bảo phân bổ kịp thời kế hoạch vốn, làm cơ sở cho việc bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã sớm có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phân bổ, nhập dự toán và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024, làm cơ sở để Bộ Tài chính phê duyệt dự toán cho các dự án theo đúng quy định.
Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, qua nhận xét công tác phân bổ kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2024 của 63 địa phương cho thấy, cơ bản các địa phương đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, vẫn còn địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch ngân sách trung ương trong nước đúng thời gian quy định, chưa tuân thủ nguyên tắc về phân, giao kế hoạch vốn đầu tư.
Điển hình, một số địa phương chưa bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành nhưng vẫn bố trí cho các dự án khởi công mới. Trong khi đó, 105 dự án đã được bố trí kế hoạch năm 2021, 2022, 2023 còn kế hoạch trung hạn nhưng một số địa phương không bố trí kế hoạch năm 2024; 34 dự án ODA chưa bố trí kế hoạch theo đúng tỷ lệ vay lại, bố trí khi chưa kí hợp đồng vay lại với Bộ Tài chính, chưa phân bổ kế hoạch vay lại được giao, dự án được phân bổ chưa phù hợp với cơ chế tài chính.
Ngoài ra, tỷ lệ bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đối với các dự án có hỗ trợ từ ngân sách trung ương (dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án liên vùng) của nhiều địa phương không đáp ứng tiến độ, nhiều địa phương chưa bố trí hoặc bố trí với tỷ lệ không đáp ứng tiến độ. Một số địa phương còn bố trí vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vượt phần vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và vượt tổng mức đầu tư; chương trình mục tiêu quốc gia.
Có phương án xử lý để hoàn thành phân bổ đúng quy định
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã có công văn gửi từng địa phương yêu cầu căn cứ vốn kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương hoàn thiện điều chỉnh các tồn tại trong phân bổ vốn để đảm bảo việc phân bổ kế hoạch vốn tuân thủ theo đúng quy định.
Vụ trưởng Vụ Đầu tư Dương Bá Đức cho hay, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương rà soát dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, dự án chuyển tiếp còn thiếu vốn đủ điều kiện phân bổ kế hoạch vốn năm 2024, để phân bổ vốn cho các dự án sau đó mới xem xét bố trí kế hoạch vốn cho dự án khởi công mới theo đúng nguyên tắc ưu tiên bố trí đã được quy định tại Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Đối với số vốn đến ngày 31/12/2023 chưa phân bổ, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về nguyên nhân lý do chưa phân bổ để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý theo quy định.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng quy định về tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, các khoản nợ xây dựng cơ bản phát sinh trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn trước. Các địa phương cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật; không bố trí ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn trước...
Theo Vụ trưởng Vụ Đầu tư Dương Bá Đức, đầu tư công được coi là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để sớm đưa nguồn vốn này vào nền kinh tế, các địa phương cần quyết liệt vào cuộc, trước hết là nhanh chóng phân bổ hết nguồn vốn đầu tư công làm tiền đề cho công tác giải ngân.