Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025: Cơ hội và thách thức mới đối với Việt Nam
Đến nay, ASEAN đã trở thành một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua.
Gia nhập ASEAN năm 1995 là bước đi quan trọng trong tiến trình mở cửa, hội nhập của Việt Nam thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng thứ VII về "đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế với mọi quốc gia", "tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào nước ta đầu tư, hợp tác kinh doanh" và "gia nhập các tổ chức và hiệp hội kinh tế quốc tế khác khi cần thiết và có điều kiện".
Trong 21 năm qua, Việt Nam đã tham gia hội nhập kinh tế ASEAN một cách tích cực, chủ động và cùng các nước thành viên ASEAN xây dựng nền móng quan trọng để Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành vào ngày 31 tháng 12 năm 2015.
Đến nay, ASEAN đã trở thành một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua.
Về thương mại, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thời gian qua, từ khoảng 3,3 tỷ USD năm 1995 lên 42,1 tỷ USD năm 2015 (tăng gần 13 lần). ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc).
Về xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN, tốc độ tăng trưởng bình quân thời gian qua đạt 17,1%, đưa kim ngạch xuất khẩu từ gần 1 tỷ USD năm 1995 lên 18,3 tỷ USD năm 2015 (tăng hơn 18 lần).
Hiện ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và EU). Trước năm 2010, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang ASEAN 2 nhóm mặt hàng chính là dầu thô và gạo (chiếm trên 50% tổng kim ngạch).
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN hiện đã đa dạng hơn nhiều, ngoài dầu thô và gạo, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang ASEAN nhiều mặt hàng khác như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê...
Ở chiều ngược lại, tốc độ tăng trưởng bình quân của kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN thời gian qua đạt 13,4%, đưa kim ngạch nhập khẩu từ 2,3 tỷ USD năm 1995 lên 23,8 tỷ USD năm 2015 (tăng hơn 10 lần). Hiện ASEAN là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong nhiều năm qua, chiếm tỷ trọng trên 60% kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN, chủ yếu là những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như: xăng dầu các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; chất dẻo nguyên liệu; giấy; gỗ & sản phẩm gỗ; hàng điện gia dụng & linh kiện; linh kiện & phụ tùng ô tô; hóa chất & sản phẩm hóa chất, v.v…
Nhìn chung, trong quan hệ thương mại với ASEAN, Việt Nam đang là nước nhập siêu.
Trong quan hệ về đầu tư, ASEAN là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam, đồng thời cũng là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN. Những thành viên ASEAN có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trong khi đó, ASEAN cũng là thị trường truyền thống của các nhà đầu tư Việt Nam, đứng đầu là Lào và Cam-pu-chia.
Đằng sau những con số trên là nỗ lực không ngừng của Việt Nam để hội nhập kinh tế ASEAN trong suốt thời gian qua với cột mốc quan trọng là sự hình thành chính thức của AEC. Tại thời điểm AEC được thành lập, nhiều cam kết quan trọng đã có hiệu lực đối với ta:
Về thương mại hàng hoá, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ta đã đưa thuế suất về 0% đối với khoảng 90% số dòng thuế và sẽ phải xóa bỏ khoảng 97% số dòng thuế và xóa bỏ hạn ngạch thuế quan trước năm 2018.
Ở chiều ngược lại, khoảng 99% hàng xuất khẩu của ta sang các nước ASEAN-6 đã được miễn thuế nhập khẩu từ năm 2010. Ngoài ra, ASEAN đang đẩy mạnh việc thực hiện các cơ chế giải quyết hàng rào phi thuế quan như tham vấn, đối thoại. Các hoạt động thuận lợi hóa thương mại cũng được thúc đẩy với nhiều sáng kiến quan trọng như Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, Tự chứng nhận xuất xứ, Cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN... đang được vận hành từng bước.
Hiện nay, Việt Nam cùng 6 nước ASEAN gồm Bru-nây, In-đô-nê-xia, Malaysia, Philipines, Singapore, Thái Lan đã triển khai toàn bộ hoặc một phần xây dựng cơ chế một cửa quốc gia của mình và đang là một trong số các nước ASEAN đi đầu trong việc kết nối với cơ chế một cửa ASEAN.
Việt Nam cũng đã tham gia và đang triển khai dự án thí điểm về tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN. Nhờ đó, thương mại hàng hóa trong ASEAN trở nên thuận lợi hơn, từng bước hướng tới hiện thực hóa mục tiêu thành lập cơ sở sản xuất chung và thị trường chung ASEAN trong khuôn khổ AEC.
Về thương mại dịch vụ, trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), ta đã cùng các nước ASEAN đưa ra cam kết theo 9 Gói cam kết về thương mại dịch vụ chung, 6 Gói cam kết về dịch vụ tài chính, 9 Gói cam kết về dịch vụ vận tải hàng không, phù hợp với chiến lược phát triển các ngành dịch vụ của ta và pháp luật hiện hành.
ASEAN cũng đang nỗ lực hoàn thành các Gói cam kết tiếp theo và đàm phán nâng cấp Hiệp định AFAS thành Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN trong tương lai. Cam kết của Việt Nam cũng như các nước ASEAN về dịch vụ để thực hiện AEC là cao hơn cam kết gia nhập WTO của ta (WTO+) nên sẽ tác động gia tăng luồng thương mại dịch vụ nội khối, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên hội nhập như vận tải hàng không, công nghệ thông tin, y tế, du lịch và logistics.
Nhằm tạo thuận lợi cho sự di chuyển của lao động có kỹ năng trong khu vực, ta cùng ASEAN đã ký kết Hiệp định di chuyển thể nhân ASEAN năm 2012 và 8 thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong khuôn khổ ASEAN về các dịch vụ chuyên môn như dịch vụ kỹ thuật (2005), dịch vụ điều dưỡng (2006), dịch vụ kiến trúc (2007), chứng chỉ giám sát khảo sát (2007), người hành nghề y (2009), người hành nghề nha khoa (2009), thoả thuận khung về kế toán (2009) và sau đó được kế thừa bởi MRA về kế toán (2014), nghề du lịch (2012).
Các cam kết này chỉ nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển lao động có tay nghề trong ASEAN, không áp ụng với lao động phổ thông.
Về đầu tư, ta và ASEAN đã ký kết Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) năm 2009 và đang tiếp tục rà soát, loại bỏ các hạn chế về đầu tư.
Nỗ lực này sẽ giúp gia tăng đầu tư nội khối, tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và việc làm của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đồng thời tác động gián tiếp đến sức thu hút đầu tư nước ngoài từ ngoài khối vào ASEAN, tác động gián tiếp đến việc gia tăng luồng thương mại giữa các nước ASEAN và nhu cầu cải thiện môi trường đầu tư của mỗi nước.
Việc Quốc hội thông qua Luật đầu tư sửa đổi và Luật doanh nghiệp sửa đổi 2014 là một bước đi quan trọng của Việt Nam trong việc chuẩn bị tăng cường cho hội nhập trong lĩnh vực đầu tư và đón xu hướng tăng cường đầu tư trong khuôn khổ AEC.
Trong lĩnh vực xúc tiến và tự do hóa đầu tư, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN đạt được những kết quả nhất định như xuất bản sách hướng dẫn đầu tư cho doanh nghiệp, báo cáo đầu tư ASEAN hàng năm; tổ chức các hội thảo, diễn đàn về xúc tiến đầu tư; xây dựng trang thông tin ASEAN về đầu tư...
Nhìn chung, việc thực hiện các cam kết xây dựng AEC đã mang lại nhiều lợi ích cho chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng ASEAN. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hội nhập kinh tế khu vực sẽ không kết thúc vào năm 2015.
Nhằm hướng tới mục tiêu hội nhập sâu rộng hơn, các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC đến năm 2025 với 5 đặc trưng: (i) Một nền kinh tế hội nhập cao và gắn kết; (ii) Một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; (iii) Nâng cao kết nối và hợp tác chuyên ngành; (iv) Một ASEAN có sức bật, phát triển toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm; (v) Một ASEAN toàn cầu.
Nghị quyết Đại hội Đảng XII mới đây cũng đã khẳng định chủ trương “thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước”, “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”, “mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”.
Việc hội nhập sâu hơn vào AEC trong giai đoạn tới sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho Việt Nam.
Về cơ hội, hàng rào thuế quan được loại bỏ, các hàng rào phi thuế được cắt giảm tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động kỹ năng của Việt Nam được lưu chuyển dễ dàng hơn trong khu vực ASEAN.
Không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường trong nội khối với khoảng 625 triệu dân và GDP hàng năm đạt gần 3000 tỷ USD, ASEAN là khu vực giao thoa của nhiều hiệp định thương mại song phương giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối và với các khu vực khác trên thế giới.
Do đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường ngoài khối có quy mô kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ôt-xtrây-lia, Niu Di-lân, Ấn Độ, Hồng Công thông qua các FTA ASEAN+ 1 đã có và Hiệp định ASEAN-Hồng Công, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong tương lai.
Việc hội nhập sâu hơn về dịch vụ sẽ giúp thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trong nước, nhất là các ngành dịch vụ có lợi thế tiềm năng của nước ta như dịch vụ du lịch, vận tải hàng không, logistics. Điều này sẽ góp phần tích cực cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của ta.
Việt Nam cũng sẽ có thêm cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ ASEAN và các đối tác ngoài ASEAN thông qua cải thiện và tăng sức hấp dẫn của thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước có năng lực cũng có cơ hội đẩy mạnh đầu tư ra các nước ASEAN.
Củng cố AEC đồng nghĩa với việc củng cố vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các nước ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, giúp chuyển đổi nền kinh tế và từng bước tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thông qua AEC, Việt Nam sẽ tận dụng được các cơ hội khai thác các dự án về phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế và tăng cường kết nối với các nước ASEAN và đối tác.
Về thách thức, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh đến từ việc tự do hóa, mở cửa thị trường, nhất là trong điều kiện các nước ASEAN có các lợi thế so sánh khá tương đồng với Việt Nam. Nếu sức cạnh tranh yếu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó trên thị trường nội địa và khó có khả năng vươn ra, chiếm lĩnh trên thị trường các nước thành viên ASEAN khác.
Doanh nghiệp năng lực kém sẽ không được chọn để tham gia các khâu có lợi nhuận cao của chuỗi cung ứng, do đó sẽ chủ yếu tham gia các công đoạn gia công. Người lao động trình độ thấp sẽ khó vươn lên các vị trí quản lý hay trở thành các chuyên gia có mức lương cao, khó di chuyển tự do và tận dụng tốt các cơ hội mở ra theo các cam kết hội nhập kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, sức ép này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp trong nước buộc phải cải thiện năng lực cạnh tranh, lao động trong nước phải nâng cao trình độ để có thể tham gia các thị trường ASEAN và các thị trường khác trong khu vực.
Việc thực thi các cam kết trong ASEAN cũng đòi hỏi Việt Nam rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhưng đồng thời, cũng có tác động tích cực là tăng cường tính minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.
Để tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức, quá trình hội nhập AEC cần đi đôi với việc phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh quốc gia. Giải pháp quan trọng nhất là xây dựng năng lực dài hạn của doanh nghiệp, người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn diện.
Để thực hiện giải pháp này, Chính phủ cần thúc đẩy cải cách hành chính tập trung vào tạo thuận lợi thương mại như vận hành thông suốt Cơ chế một cửa quốc gia và tiếp tục kết nối với các nước để hình thành Cơ chế một cửa ASEAN và khắc phục các bất cập trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang bị đánh giá thấp so với các nước: minh bạch hóa chính sách, thủ tục thuế, hải quan.
Chính phủ cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đồng thuận xã hội đối với mục tiêu xây dựng AEC; nghiên cứu đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền để nâng cao hiệu quả hoạt động này với xã hội, đặc biệt các doanh nghiệp; tăng cường sự tham gia của các cơ quan thông tấn, truyền thông trong việc quảng bá thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế tới mọi đối tượng.
Đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu, tổ chức sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nghề, xây dựng chương trình giáo dục theo hướng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế để cải thiện về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, các kỹ năng sống, thể lực… của lao động trong nước nhằm tham gia hiệu quả vào phân công lao động trong khu vực ASEAN.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng thu hút sự hỗ trợ, đầu tư về cả vốn, kỹ thuật và chuyên gia từ các nước phát triển hơn trong nội khối để đẩy nhanh quá trình dịch chuyển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, tạo đà cho Việt Nam phát triển cân bằng hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Về phía doanh nghiệp và người dân, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân cần chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để kinh doanh quy mô và dài hạn trong tương lai.