AEC và thị trường lao động lành nghề

Theo ncseif.gov.vn

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN đã chính thức đươc thành lập ngày 31/12/2015. AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020. AEC sẽ hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và tổng sản lượng (GDP) hàng năm khoảng trên 2.000 tỉ đô la Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bên cạnh dòng hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, nguồn lao động di chuyển tự do giữa các nước ASEAN là nguồn lao động có kỹ năng. Một thị trường lao động nói chung và một phân khúc thị trường lao động có trình độ cao, lao động có kỹ năng sẽ nhanh chóng được hình thành trong AEC. Việt Nam là một thành viên của ASEAN cho nên việc lao động di chuyển giữa các nước thành viên trong đó có Việt Nam là tất yếu và cũng là cơ hội để quá trình hội nhập và cạnh tranh trên phân khúc thị trường lao động có kỹ năng. Cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ trở nên gay gắt và sự tham gia của lao động nước ngoài trên thị trường lao động Việt Nam cũng tất yếu.

Việc di chuyển lao động tạo khả năng mang lại lợi ích cho lực lượng lao động như tiền lương, việc làm và sự ổn định cuộc sống. Di chuyển lao động còn phản ánh trình độ cao của mở cửa thị trường lao động cũng như năng lực quản lý lao động của các quốc gia có liên quan. Người lao động di chuyển giữa các quốc gia, bên cạnh việc mang theo kiến thức, kỹ năng, sức lực để sáng tạo giá trị còn mang theo cả phong tục, tập quán, lối sống, do đó rất dễ gây nên tính phức tạp trong quản lý di cư cũng như làm phát sinh các vấn đề xã hội.

Đồng thời, lao động nhập cư còn gây ra tình trạng căng thẳng về việc làm tại nước tiếp nhận cũng như tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế. Vì vậy, việc mở cửa thị trường lao động phản ánh trình độ hội nhập cao hơn so với hội nhập về hàng hóa, dịch vụ hay vốn đầu tư. Nó cho thấy trình độ cao trong quản lý di cư của cả quốc gia xuất cư và quốc gia nhập cư.

Mặc dù chưa có các tiêu chuẩn thống nhất trong tất cả các nước ASEAN về thị trường lao động nhưng chắc chắn đây phải là thị trường của những người có chứng chỉ nghề nghiệp hoặc bằng cấp được các nước ASEAN công nhận. Mức độ lành nghề hay tính chuyên nghiệp sẽ được đặt lên hàng đầu và đây được xem là một trong những rào cản kỹ thuật lớn nhất đối với thị trường lao động ASEAN nói chung và lực lượng lao động của Việt Nam nói riêng.

Lợi ích từ việc từ việc di chuyển tự do lực lượng lao động trong khối ASEAN mang lại như: Thứ nhất, thu hút được lao động có kỹ năng tay nghề cao, người lao động có nhiều cơ hội tìm được việc làm, do đó làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của các nước thành viên. Thứ hai, lao động thiếu kỹ năng ít có cơ hội tìm việc làm ở các nước ASEAN và đây là áp lực buộc các nước thành viên phải đổi mới quá trình đào tạo tay nghề, trang bị kỹ năng cũng như đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo theo đúng yêu cầu của thị trường lao động ASEAN. Thứ ba, lợi ích thu được của các quốc gia từ việc di chuyển này sẽ gia tăng rất lớn vì lao động có kỹ năng cạnh tranh, tạo khả năng năng cao năng suất lao động, cải thiện đáng kể chất lượng công việc cũng như làm giảm chi phí lao động có kỹ năng. Thứ tư, tạo áp lực để các nước thành viêc hoàn thiện thể chế, điều chỉnh chính sách, quy định cũng như các đạo luật khác trước hết để thích nghi đồng bộ với quy định về lao động của các nước trong ASEAN.

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi đôi với thách thức. Lực lượng lao động của Việt Nam cũng như của các nước khác trong khối ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều rào cản đòi hỏi các Chính phủ cần phải có những quyết sách đúng đắn, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để sẵn sàng hội nhập. Đó là:

Thứ nhất, các cơ chế, chính sách và luật lệ của mỗi nước chưa thống nhất được với hiệp định chung của ASEAN. Mặc dù có hiệp định công nhận lẫn nhau song các quy định trong Hiệp định này cũng chưa thống nhất và chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên. Do đó, sẽ gây khó khăn cho việc cấp visa cho người lao động lành nghề khi muốn di chuyển việc làm từ nước này sang nước khác. Vì vậy, lực lượng lao động muốn thuận lợi di chuyển thì lại phải phụ thuộc vào các thỏa thuận song phương của các nước thành viên.

Thứ hai, lưc lượng lao động lành nghề của các nước thành viên là rất khan hiếm, điều này dẫn đến tình trạng giới hạn người di cư có kỹ năng tới các nước thành viên ASEAN khiến cho nhu cầu tuyển dụng người tài giữa các nước càng cạnh tranh khốc liệt.

Thứ ba, trình độ và chất lượng lao động giữa các nước thành viên ASEAN là khác biệt nhau. Rõ ràng, một sinh viên tốt nghiệp tại Singapore chắc chắn sẽ được đánh giá cao về trình độ hơn là một sinh viên tốt nghiệp một trường đại học tại Việt Nam. Do trình độ có sự chênh lệch nhau nên năng suất lao động của mỗi nước cũng sẽ khác nhau. Điều này sẽ là rào cản rất khó vượt qua đối với lao động được cho là lành nghề của các nước có trình độ và năng suất được cho là thấp hơn muốn di chuyển đến nước thành viên được đánh giá là có lực lượng lao động chất lượng và năng suất cao hơn.

Thứ tư, trình độ ngoại ngữ cũng là một thách thức khó khăn đối với lực lượng lao động muốn di chuyển. Xu hướng người lao động chỉ muốn di chuyển đến các nước có sự tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa hơn là đến một nước có nhiều sự khác biệt. Do vậy, việc muốn thu hút được lao động có chất lượng cao cũng bị hạn chế nhiều bởi yếu tố này.

Muốn hạn chế những thách thức và nắm được nhiều cơ hội di chuyển lao động có chất lượng cao trong ASEAN, mỗi Chính phủ của các nước thành viên cần phải có các giải pháp giải quyết nhằm tự do hóa dòng di chuyển lao động lành nghề trong khối. Các giải pháp đó là:

Đối với Nhà nước, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về AEC, đặc biệt về lao động có kỹ năng cao, các tiêu chuẩn cụ thể được các nước ASEAN khác công bố và áp dụng. Chính phủ của mỗi nước thành viên phải cam kết mạnh mẽ thực hiên việc hoạch định và thực thi chính sách tự do hóa dòng lao động lành nghề xuyên biên giới.

Mỗi nước cần tự nguyện và nghiêm chỉnh thực hiện các Hiệp định về công nhận lẫn nhau.

Sắp xếp và phát triển các cơ sở đào tạo và trung tâm đào tạo nghề nghiệp nhằm thích nghi với điều kiện thành lập AEC, trong đó cần chú ý đào tạo ngôn ngữ các nước ASEAN; Công bố chứng chỉ của các cơ quan được ASEAN thừa nhận để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận.

Đối với doanh nghiệp, cần tích cực, chủ động nghiên cứu thị trường ASEAN, trong đó có thị trường lao động để có thể hiểu rõ hơn các tiêu chuẩn nghề nghiệp nhằm có kế hoạch thích nghi. Bên cạnh đó, cần hình thành hệ thống công ty đào tạo lao động có kỹ năng cao thuộc các loại ngành nghề được ASEAN công bố; kết hợp với các cơ sở đào tạo, cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề nhằm tạo môi trường tốt nhất cho lao động khi tham gia thị trường lao động trong AEC.