Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là thành tựu tiêu biểu về hội nhập khu vực

Theo baodientu.chinhphu.vn

(Tài chính) Nếu thành công, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ là thành tựu có tính tiêu biểu cho sự hội nhập khu vực, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên.

AEC sẽ là thành tựu tiêu biểu về hội nhập khu vực. Nguồn: internet
AEC sẽ là thành tựu tiêu biểu về hội nhập khu vực. Nguồn: internet

Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 45 (AEM - 45) vừa diễn ra tại Brunei, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjawan cho biết: Đến nay, các đầu việc AEC đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng. Điều này phản ánh rằng mỗi nước thành viên cần nỗ lực hơn nữa trong vài năm tới, đồng thời con số này cũng cho thấy mức độ hiện thực hóa AEC vào năm 2015.

Trong Thông cáo chung của AEC-45, các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp ở mỗi nước nhằm xây dựng AEC vào năm 2015. Đặc biệt, các Bộ trưởng đã nhất trí danh sách các đầu việc ưu tiên trong năm 2013 và 2015 đã được các cơ quan của AEC đặt ra.

Trước đó, trong báo cáo thường niên 2012-2013 công bố cuối tháng 7, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết, đến cuối tháng 3/2013, ASEAN đã hoàn thành 80% các giải pháp được nêu trong kế hoạch xây dựng AEC trên tất cả các lĩnh vực. Giờ đây, Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN đã được triển khai đầy đủ, Hiệp định ASEAN về di chuyển con người ( MNP) đã được ký kết; việc triển khai thí điểm chương trình “Một cửa ASEAN” (Asean Single Window), nhằm cải thiện các điều kiện thuận lợi cho thương mại khu vực đang được đẩy mạnh, trong khi trên lĩnh vực giao thông vận tải đã có nhiều tiến bộ trong việc phê chuẩn hiệp định”. Theo báo cáo này, năm ngoái ASEAN đạt mức tăng trưởng GDP 5,6%, cao hơn mức 4,7% của năm 2011 nhờ nhu cầu tăng mạnh và các biện pháp hội nhập thương mại, kinh tế nội vùng.

AEC là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020, và được khẳng định lại trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali II): Tạo dựng một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao, nơi có sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, di chuyển tự do hơn của các luồng vốn, phát triển kinh tế đồng đều và giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế - xã hội.

Kế hoạch tổng thể  xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN một bộ phận của Lộ trình xây dựng Cộng đồng 2009-2015 đã xác định các biện pháp chính mà ASEAN sẽ thực hiện để xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất gồm: dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại, hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm (hợp chuẩn) và quy chế, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu, hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ, tạo thuận lợi cho dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN và tự do lưu chuyển hơn của dòng vốn, thuận lợi hóa di chuyển thể nhân...

Các biện pháp nói trên đều đã và đang được các nước thành viên ASEAN triển khai cụ thể thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (AIA) và Hiệp định Ðầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO), Lộ trình hội nhập tài chính và tiền tệ ASEAN,...

Thành tựu đáng kể nhất trong xây dựng AEC tới nay là ASEAN đã cơ bản giảm được thuế quan cho các mặt hàng trong danh sách giảm thuế về từ 0 - 5% từ năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu (Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Brunei) và vào năm 2015 với 4 nước thành viên mới (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar), hình thành nên một thị trường mở không còn các rào cản thuế quan đối với hàng hóa. Nói cách khác, AEC là mô hình liên kết kinh tế khu vực dựa trên  nâng cao những cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN, có bổ sung thêm hai nội dung mới là tự do di chuyển lao động và di chuyển vốn tự do hơn.

Nếu thành công AEC sẽ là thành tựu có tính tiêu biểu cho sự hòa nhập khu vực, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên; ngược lại, nếu AEC không được khởi động suôn sẻ vào cuối năm 2015 thì cộng đồng thế giới sẽ giảm lòng tin vào sức mạnh thật sự và tiềm năng của ASEAN. Khoảng thời gian 2 năm tới là thời kỳ hết sức bận rộn và thú vị của ASEAN trên con đường trở thành một động lực quan trọng của kinh tế thế giới.