Công khai theo lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô
Ngày 06/4/2016, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Trong đó, từ 01/7/2016, thuế suất thuế tiêu thu đặc biệt đối với mặt hàng ô tô du lịch chở người dưới 24 chỗ ngồi có sự thay đổi so với năm 2016.
Từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 30/6/2016
Từ 01/01/2016 đến hết ngày 30/6/2016 , thuế suất áp dụng đối với các mặt hàng, dịch vụ chịu thuế tiêu thu đặc biệt (TTĐB) được thực hiện theo quy định của các văn bản: Luật số 70/2014/QH13, Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ và Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính.
Theo Luật số 70/2014/QH13 quy định mức thuế suất TTĐB (45%, 50% và 60%) áp dụng đối với mặt hàng ô tô du lịch chở người dưới 24 chỗ ngồi theo các tiêu chí: mức tiêu hao nhiên liệu qua dung tích xi lanh (cm3); số chỗ ngồi gắn với mục đích sử dụng xe và theo loại nhiêu liệu sử dụng có tác động ảnh hưởng đến môi trường.
Xe chở người dưới 10 chỗ ngồi được áp dụng mức thuế suất 45% đối với xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống; áp thuế suất 50% đối với xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 đến dưới 3.000 cm3; xe có dung tích xi lanh từ 3.000 cm3 trở lên thì áp dụng thuế suất cao nhất là 60%.
Loại xe chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ ngồi áp dụng thuế suất 30%; mức thuế 15% đối với xe từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi và xe được thiết kế vừa chở người kết hợp vừa chở hàng.
Đối với các loại xe chở người mà sử dụng năng lượng chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng thì áp dụng mức thuế suất thấp hơn, chỉ bằng 0,7 mức thuế suất của loại xe chạy bằng xăng mà có cùng dung tích xi lanh tương ứng.
Từ ngày 01/7/2016 trở đi
Luật sửa đổi ngày 06/4/2016 tuy vẫn kế thừa nguyên tắc định mức thuế suất phân biệt theo loại xe với các tiêu chí môi trường như nêu trên nhưng thực hiện phân loại chi tiết hơn mức tiêu hao nhiên liệu qua chỉ số dung tích xi lanh và có quy định cụ thể lộ trình áp dụng cho 2 giai đoạn trước và sau 2018.
Về số lượng mức thuế suất đối với xe ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi sẽ bao gồm 14 mức thuế suất cơ bản, trong đó thuế suất thấp nhất là 5% và cao nhất là 150%.
Loại xe có dung tích nhỏ hơn, tiêu hao năng lượng ít hơn sẽ được áp mức thuế thấp hơn và được giảm tiếp so với Luật hiện hành, do vậy những người có mức thu nhập trung bình khá trở xuống có thêm cơ hội sở hữu ô tô.
Đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở lên, Luật quy định nhiều mức thuế cao hơn, chi tiết hơn và tăng dần đến mức thuế suất cao nhất là 150%.
Bên cạnh đó, với mục tiêu định hướng khuyến khích sử dụng năng lượng sinh học nhằm bảo đảm thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, Luật có quy định áp mức thuế suất đặc biệt thấp đối với loại xe sử dụng năng lượng sinh học (chỉ bằng ½ mức thuế suất cơ bản đối với xe chạy bằng xăng có cùng mức dung tích xi lanh).
Cùng với quy định bổ sung cụ thể các mức thuế suất chi tiết, ứng với lộ trình hội nhập trong Biểu thuế, Luật sửa đổi lần này có bổ sung thêm vào diện áp thuế đối với các mặt hàng mới, cụ thể:
Ô tô chạy hoàn toàn bằng năng lượng sinh học được quy định tại các dòng thuế 4(e): Dòng thuế 4(g) quy định mức thuế ô tô chạy bằng điện; và dòng thuế 4(h) áp thuế đối với xe motohome.
Luật số 106/2016/QH13 kế thừa các quy định của Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 về một danh mục đối tượng chịu thuế TTĐB mang tính chuẩn mực mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Danh mục hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB bao gồm 11 loại hàng hoá và 6 loại dịch vụ thể hiện quan điểm điều tiết, định hướng điều chỉnh hành vi tiêu dùng của một xã hội có trật tự.