Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Vì lợi ích cộng đồng

THS. NGUYỄN THỊ THANH HÒA

(Tài chính) Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thu đặc biệt (TTĐB) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, hoàn thiện dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2014. Vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận là những quy định về áp thuế và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có gas, rượu, bia, thuốc lá… Cơ sở nào để Bộ Tài chính đưa ra các đề xuất này?

Mục đích tăng thuế TTĐB là để hạn chế sử dụng của người tiêu dùng trong nước. Nguồn: internet
Mục đích tăng thuế TTĐB là để hạn chế sử dụng của người tiêu dùng trong nước. Nguồn: internet
Cơ sở khoa học để áp thuế

Một trong những quy định mới được đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB là áp dụng thuế suất 10% đối với mặt hàng nước ngọt có gas. Như đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế và chuyên gia về sức khỏe, đây là quy định đúng đắn, bởi mục tiêu hướng đến là bảo vệ sức khỏe người dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo các nghiên cứu của một số tổ chức y tế trên thế giới, nước ngọt có gas là nước uống đã được sục khí CO2 bão hòa nhằm tạo cảm giác dễ chịu và cảm giác giải khát nên người dùng thích uống và có thể uống được nhiều hơn so với nhu cầu giải khát. Bên cạnh đó, để sản xuất nước ngọt có gas phải sử dụng chất bảo quản, tạo hương vị, chất tạo màu nên khi uống nhiều dễ dẫn đến một số bệnh như: béo phì, mỡ máu, tiểu đường, gút và tăng nguy cơ bị ung thư…

Hiện đã có trên 50 quốc gia trên thế giới đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có gas, đặc biệt là các nước châu Âu. Ngay cả những nước láng giềng của Việt Nam như Campuchia, Thái Lan cũng đã đánh thuế TTĐB đối với loại nước uống này. Gần đây nhất là Mexico, dù vấp phải sự phản đối của các nhà sản xuất nước ngọt có gas, cũng đã quyết định đánh thuế TTĐB 10% đối với loại nước này.

Trên cơ sở đó, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có gas nhằm định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân. Trong xu thế hội nhập và vì quyền lợi người tiêu dùng, việc áp thuế đối với mặt hàng này tại Việt Nam là cần thiết.

Việc áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với mặt hàng này theo Bộ Tài chính được căn cứ vào các yếu tố như: giá của hàng hóa và mức độ tiêu thụ; mục tiêu chính sách và mức độ cần định hướng tiêu dùng. Theo đó, khác với mặt hàng thuốc lá, mặt hàng nước giải khát có gas không phải cứ sử dụng là có hại cho sức khỏe mà chỉ sử dụng quá mức mới ảnh hưởng đến sức khỏe nên mức thuế suất 10% là phù hợp với mục tiêu định hướng tiêu dùng mặt hàng này. Mặt khác, với thuế suất 10% là mức thấp nhất tại biểu thuế TTĐB.

Với việc áp dụng mức thuế suất này, dự kiến, số thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 1.500 tỷ đồng vào năm 2016 và đến năm 2018 là khoảng 1.900 tỷ đồng.

Tăng thuế là cần thiết

Ngoài việc đưa nước ngọt có gas vào diện chịu thuế, các mặt hàng khác là rượu, bia, thuốc lá sẽ được điều chỉnh tăng thuế TTĐB tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật.

Với 2 mặt hàng hiện đang chịu thuế TTĐB là rượu và bia, Bộ Tài chính cho biết, sau khi tham gia WTO, thuế suất với bia chai giảm từ 75% xuống 45 - 50%. Chính sách này nhằm hỗ trợ ngành bia, nhất là các cơ sở sản xuất bia nhỏ của địa phương tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho địa phương. Việc hạ thuế suất đối với mặt hàng bia đã làm tăng sức mua (tiêu thụ) đối với bia, rượu. Năm 2013, lượng rượu, bia tiêu thụ là 3 tỷ lít, lượng tiêu thụ này khiến Việt Nam trở thành “quán quân uống bia” ở khu vực ASEAN, đứng thứ 3 Châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản và đứng thức 28 trên thế giới.

Như vậy có thể thấy, việc lạm dụng rượu, bia gây sẽ tác hại đến sức khỏe, ngoài ra còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội khác như bạo lực, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông... Vì vậy, để hạn chế việc lạm dụng rượu, bia, Bộ Tài chính đề nghị nâng thuế suất thuế TTĐB của bia từ 50% lên 65% từ ngày 1/7/2015; của rượu từ 20 độ trở lên từ 50% lên 65%; của rượu dưới 20 độ từ 25% lên 35%. Với việc điều chỉnh này, dự kiến số thu ngân sách năm 2016 tăng 8.189 tỷ đồng; năm 2017 tăng 9.447 tỷ đồng; năm 2018 tăng 10.814 tỷ đồng.

Đ ể hạn chế tiêu dùng, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB với thuốc lá với mức thêm là 10% (từ 65% lên 75%) trên giá bán của đơn vị sản xuất và dự kiến tăng thêm 10% vào năm 2018 (85%). Đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo dư luận và được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe người dân. Thứ nhất, hút thuốc gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, là nguyên nhân của 25 căn bệnh trong đó có nhiều căn bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư vòm họng, tắc nghẽn phổi mãn tính; thứ hai, để thực hiện công ước khung và Luật phòng chống tác hại của thuốc lá; thứ ba, Việt Nam là 1 trong 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ còn thấp, dẫn đến giá bán thuốc lá thấp hơn so với các nước khác, do đó, việc tăng thuế đối với sản phẩm thuốc lá là cần thiết. Ngoài ra, đây cũng là biện pháp giúp tăng thu ngân sách. Dự kiến tăng số thu ngân sách năm 2016 là 2.930 tỷ đồng, đến năm 2018 tăng thêm 7.700 tỷđồng.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam: Việc nâng thuế TTĐB đối với rượu, bia sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội và sẽ thuận lợi, bởi có thời điểm đã lên tới 90%; bia chai và bia lon là 75% (được loại trừ vỏ lon) mà nhiều nhà máy sản xuất vẫn có lãi, do đó việc nâng thuế suất như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ không tác động nhiều đến sản xuất. Đồng thuận với ý kiến trên, PGS.,TS. Ngô Trí Long cho rằng, đây là việc làm cần thiết vì lợi ích chung của cộng đồng là bảo vệ sức khỏe người dân. Mặt khác, đánh thuế cao cũng là đem lại nguồn thu cho ngân sách để đầu tư lại cho cộng đồng, xã hội…

Đánh giá về đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, ông Phạm Kiếm Nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng: Việc ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB là cần thiết. Các biện pháp về thuế và giá là rất quan trọng nhằm giảm tác hại của thuốc lá.

Mục đích tăng thuế TTĐB là để hạn chế sử dụng của người tiêu dùng trong nước. Mặt khác, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới thì mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia của Việt Nam đang ở mức thấp, cần thiết phải tăng thuế suất đối với những mặt hàng này như Chiến lược cải cách hệ thống thuế 2011- 2020 đã đề ra.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2014