Công nghệ thông tin: Trụ cột thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

PV.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được ngành Hải quan triển khai quyết liệt trong những năm qua. Ứng dụng công nghệ thông tin hải quan đã trở thành trụ cột thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doang nghiệp, hoạt động này tiếp tục được ngành Hải quan triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới...

Tổng cục Hải quan luôn là một trong những đơn vị đứng đầu mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính
Tổng cục Hải quan luôn là một trong những đơn vị đứng đầu mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính

Trong thời gian vừa qua, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin được coi là đòn bẩy và yếu tố quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 và Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Điều đó được thể hiện ở những khía cạnh cụ thể sau:

- Trong khai báo, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan: Nhờ ứng dụng mạnh mẽ CNTT, đặc biệt từ ngày 01/4/2014, ngành Hải quan đã chính thức triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS mà các quy trình thủ tục hải quan đã được tự động hóa ở mức độ rất cao. Theo đó, đến nay, tất cả các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, trừ những thủ tục hải quan đối với hàng hóa tiểu ngạch biên giới. Hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Thông qua việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan. Hiện nay, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây, đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 02 giờ làm việc.

- Trong lĩnh vực thanh toán thuế: Đến nay, việc thu nộp thuế xuất nhập khẩu được thực hiện tự động hóa thông qua trao đổi thông tin về các khoản thu ngân sách giữa Hải quan và các Ngân hàng thương mại. Tính đến ngày 15/5/2015, đã thực hiện kết nối, trao đổi thông tin với 22 ngân hàng thương mại, tổng số tiền thuế thực hiện qua hình thức thanh toán điện tử đạt hơn 57.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 64 % tổng số thu của Ngành Hải quan. 100% các Cục Hải quan và chi cục hải quan đã thực hiện thanh toán điện tử. Việc thực hiện thanh toán điện tử đã giúp doanh nghiệp thanh toán tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, thời gian nộp thuế giảm (trước đây mất thời gian từ 1 - 2 ngày, cá biệt có thể mất 5 ngày, nay chỉ còn 3 phút); hạn chế tình trạng cưỡng chế, xét ân hạn nhầm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Đây là tiền đề cho việc mở rộng thanh toán điện tử đối với các loại phí và lệ phí khi thực hiện các thủ tục hành chính của các Bộ, Ngành tham gia vào Cơ chế một cửa quốc gia.

- Bên cạnh đó, trong những năm qua, ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua việc vận hành Cổng thông tin điện tử hải quan như: (i) Tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách, các quy trình, hướng dẫn; (ii) Tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp để tổng hợp, xử lý; (iii) Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong các lĩnh vực: thông quan hàng hóa và phương tiện; nộp thuế điện tử; tra cứu và xác định mã số hàng hóa, thuế suất; đăng ký sử dụng chữ ký số, tài khoản tham gia thủ tục hải quan điện tử; tra cứu quá trình thực hiện thủ tục hải quan; cung cấp thông tin xuất nhập khẩu cho các Bộ, ngành và cơ quan liên quan; phổ biến số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu,…

Trong những năm vừa qua, ngành Hải quan cũng ứng dụng ứng dụng CNTT một cách toàn diện trong các mặt công tác nghiệp vụ hải quan như: Giám sát quản lý nhà nước về hải quan; Quản lý thu thuế xuất nhập khẩu; Quản lý rủi ro; Kiểm tra sau thông quan; Điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm. Các hệ thống trên đều đã được triển khai thống nhất trong toàn Ngành và mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành qua mạng nội bộ Net.Office, góp phần thống nhất cách xử lý nghiệp vụ trong phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, Ngành Hải quan cũng đã xây dựng và triển khai các hệ thống trong các lĩnh vực quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng, tài chính, tài sản, xây dựng cơ bản…

Trong thời gian tới, với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa và được coi là giải pháp mang tính quyết định đến việc hiện thực hóa các mục tiêu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Theo đó, trong thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan đến năm 2020 là xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin hải quan thông minh, xử lý tập trung trên nền tảng công nghệ hiện đại, có khả năng sẵn sàng cao, tích hợp chặt chẽ với các hệ thống thông tin của các bên liên quan đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Hải quan theo chuẩn mực quốc tế “Mọi lúc – Mọi nơi – Mọi phương tiện” với các nội dung cơ bản sau:

- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

- Ứng dụng toàn diện CNTT trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan, trong đó tập trung mở rộng ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan liên quan tới miễn, giảm, hoàn thuế, kết nối hệ thống với các cơ quan kinh doanh cảng, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, thủ tục quá cảnh hàng hóa, xử lý thông tin về hàng hóa và phương tiện vận tải qua đường biển, đường hàng không, đường bộ,…

- Thực hiện thành công Cơ chế hải quan một cửa quốc gia và tham gia vào Cơ chế hải quan một cửa ASEAN.

- Đảm bảo duy trì vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT phục vụ thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thanh toán điện tử, các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia ổn định, an ninh, an toàn 24/7./.