Tổng cục Hải quan gắn phong trào thi đua với công tác hiện đại hóa và thu ngân sách nhà nước

Nguyễn Công Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước luôn được Tổng cục Hải quan đặc biệt quan tâm. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, vượt qua những khó khăn, thách thức, lập được nhiều thành tích xuất sắc trên các mặt công tác. Tổng cục Hải quan xác định sẽ tiếp tục nhân rộng, thực hiện mạnh mẽ phòng trào thi đua yêu nước nhằm tạo động lực để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của toàn ngành Tài chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Lễ công bố kết nối chính thức Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế (tháng 11/2014).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Lễ công bố kết nối chính thức Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế (tháng 11/2014).

Sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước

Để phong trào thi đua diễn ra một cách thiết thực, hiệu quả, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã tập trung chỉ đạo phát động và tổ chức các phong trào thi đua gắn chặt, bám sát vào chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã triển khai phát động phong trào thi đua dài hạn gắn với phương châm hành động của toàn Ngành “Chuyên nghiệp - Minh bạch - Hiệu quả”. Nội dung thi đua tập trung vào những lĩnh vực công tác trọng tâm như: Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy Hải quan các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); triển khai Luật Hải quan 2014; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa; tiếp tục duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính và xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch, vững mạnh.

Hưởng ứng việc phát động phong trào thi đua của Tổng cục, các đơn vị khối cơ quan Tổng cục Hải quan và Hải quan địa phương cũng phát động nhiều phong trào thi đua thường xuyên gắn chặt với từng nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.… Ngoài các phong trào thi đua thường xuyên tại cơ quan Tổng cục Hải quan và các đơn vị thuộc, trực thuộc, các tổ chức Đảng, đoàn thể cũng đã phát động các phong trào thi đua ngắn hạn, theo đợt như: Phong trào thi đua chào mừng ngày thành lập Hải quan với khẩu hiệu “Ngành Hải quan quyết tâm triển khai thành công hệ thống VNACCS/VCIS” của Tổng cục Hải quan; “Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn quyết tâm phát huy ý chí quyết chiến, quyết thắng, năng động sáng tạo, đoàn kết, vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2014”… Bên cạnh đó, nhiều phong trào thể dục, thể thao, các hoạt động từ thiện đã được Tổng cục Hải quan và các đơn vị phát động, tổ chức nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.

Kết thúc các đợt thi đua, Tổng cục Hải quan đã tiến hành đánh giá kết quả đạt được, đề nghị khen thưởng kịp thời những nhân tố nổi bật xuất sắc. Các phong trào thi đua đã có chủ đề bám sát với các mục tiêu nhiệm vụ được giao, trong đó đã chú ý đến việc rèn luyện cán bộ, công chức chấp hành đúng kỷ cương, pháp luật; hạn chế các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu và thực hiện các cam kết của Hải quan đối với cộng đồng xã hội.

Công cuộc cải cách, hiện đại hóa hải quan đã được thực hiện thống nhất, thường xuyên, liên tục trong suốt nhiều năm qua, được bắt đầu từ năm 1994 theo Nghị quyết 38 - CP của Chính phủ về cải cách một bước về thủ tục hành chính Nhà nước trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Trong bối cảnh triển khai công cuộc cải cách thủ tục hành chính hiện nay của Chính phủ, Tổng cục Hải quan xác định cải cách, hiện đại hóa hải quan là một đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập của đất nước, đồng thời xuất phát từ thực trạng, nguồn lực quản lý của hệ thống Hải quan. Trọng tâm là cải cách thủ tục hải quan dựa trên phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo hướng tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Hiện nay, Hải quan đang trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015 (đây là kế hoạch lần thứ 3, kế tiếp 2 kế hoạch của giai đoạn 2004-2006 và 2008-2010).

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này, bên cạnh việc tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan luôn chú trọng đến việc phát huy sự đồng thuận, sức mạnh tập thể của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức. Những năm trước đây, khi bắt tay vào thực hiện thí điểm và mở rộng thí điểm thủ tục hải điện tử và các chương trình, kế hoạch cải cách, hiện đại hóa, Tổng cục Hải quan gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi đây là nhiệm vụ mới, đòi hỏi sự thay đổi về tác phong, phương thức làm việc đã ăn sâu trong nhiều thế hệ cán bộ, công chức, do đó, vấn đề thay đổi là không hề dễ dàng...

Nhằm giúp cán bộ, công chức thấy được vai trò, tầm quan trọng của công tác hiện đại hóa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành nói riêng, cũng như đáp ứng đòi hỏi bức thiết đặt ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, Tổng cục Hải quan một mặt chú trọng vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, mặt khác, công tác thi đua khen thưởng gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị được xem là một giải pháp quan trọng.

Nhiều kết quả đáng khích lệ

Đến nay, có thể nói, Tổng cục Hải quan đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, đặc biệt là 6 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm:

Thứ nhất, thực hiện thủ tục hải quan điện tử sau quá trình thí điểm và mở rộng thí điểm, đến nay, đã được thực hiện chính thức và “phủ sóng” trên phạm vi cả nước; thủ tục đã được chuyển đổi căn bản từ phương thức thủ công sang điện tử.

Thứ hai, triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS. Việc triển khai Hệ thống này được thực hiện đúng kế hoạch, không gây xáo trộn đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tạo dựng được nền tảng công nghệ thông tin vững chắc. Đây là bước đi quan trọng để nâng cao chất lượng thực hiện thủ tục hải quan điện tử dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hải quan.

Thứ ba, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo cam kết của Chính phủ. Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các Bộ: Giao thông Vận tải, Công Thương thực hiện kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa quốc gia (tháng 2/2014) và tháng 12/2014 thực hiện kết nối chính thức. Đồng thời, Tổng cục Hải quan là đầu mối tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của cơ chế một cửa quốc gia với các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện Chương trình doanh nghiệp ưu tiên để nâng cao hiệu quả của quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan đang áp dụng chế độ ưu tiên cho 31 doanh nghiệp và phấn đấu nâng con số này lên vào các năm tiếp theo theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Thứ năm, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính; thực hiện việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, cấp số và phân luồng tờ khai trong vòng từ 1 đến 3 giây. Trước đây, theo Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, Tổng cục Hải quan cam kết thực hiện quy trình thủ tục này tối đa 30 phút… Đã chủ trì thực hiện cấu phần Nghiên cứu thời gian giải phóng hàng của dự án “Hỗ trợ kỹ thuật tư vấn và chính sách vùng” nhằm công khai hóa thời gian thông quan, làm rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan và các cơ quan liên quan khác để có cơ sở kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cải cách thủ tục để giảm thời gian thông quan.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang xem xét, sửa đổi Tuyên ngôn phục vụ khách hàng với việc điều chỉnh các chỉ tiêu về thời gian tiếp nhận, thông quan hàng hóa, giải vướng mắc, khiếu nại… cho phù hợp với những tiến bộ trong cải cách, hiện đại hóa hải quan đạt được những năm gần đây và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế sâu, rộng của đất nước trong tình hình mới.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan. Theo đó, song song với cải cách thủ tục hành chính phải tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn cộng đồng nhằm mục tiêu cải cách gắn liền với kiểm soát. Chú trọng công tác quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan theo phương pháp quản lý hải quan hiện đại để chuyển mạnh việc kiểm tra từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”…

Trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ cải cách, hiện đại hóa hải quan, không thể không nhắc đến phong trào thi đua với khẩu hiệu “Ngành Hải quan quyết tâm triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS” năm 2014. Đây là đợt thi đua ngắn hạn nhưng đã huy động được sức mạnh tổng hợp trong toàn Ngành để thực hiện thắng lợi Hệ thống VNACCS/VCIS, tạo nền tảng vững chắc cho bước đầu hoàn thành các mục tiêu cải cách, hiện đại hóa và xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp sánh vai với các nước có nền hải quan hiện đại trên thế giới trong những năm tới. Quá trình thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS là những ngày tháng đầy áp lực. Đội ngũ cán bộ, công chức Hải quan đã trải qua nhiều thời điểm phải làm việc thâu đêm tới sáng, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vất vả, gian lao là thế nhưng toàn thể cán bộ, công chức Hải quan luôn trong tâm trạng hết sức sôi nổi, hào hứng chờ đến thời điểm triển khai chính thức, thời điểm bàn giao Hệ thống. Thời điểm đó, cả Tổng cục Hải quan như chuẩn bị cho một chiến dịch, một “trận đánh lớn”, và đã từng bước vận hành Hệ thống thành công ngoài mong đợi. Ngay chính các chuyên gia Nhật Bản cũng không thể tin được Hải quan Việt Nam đã thực hiện thành công như thế.

Những năm trước đây, Tổng cục Hải quan thực hiện thủ tục hải quan chủ yếu làm công tác tập dượt để chuẩn bị cho hải quan điện tử “E-Customs” thực thụ. Với Hệ thống VNACCS/VCIS, Hải quan Việt Nam đã có một hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh và tập trung trong cả nước. Hệ thống mới làm thay đổi toàn diện phương thức thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hải quan. Đây là nền tảng vững chắc để xây dựng các chương trình hiện đại hóa hiện nay và sau này.

Thành công trong thực hiện vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS chính là nỗ lực, là công sức của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức Hải quan, là kết quả của một chặng đường chuẩn bị, tập dượt lâu dài của Hải quan, nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây. Có thể tóm tắt trong 10 chữ “Thông minh, Trí tuệ, Trách nhiệm, Sáng tạo, May mắn” quyết định sự thành công của toàn ngành Hải quan trong quá trình triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS. Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của đội ngũ chuyên gia Nhật Bản, sự đồng hành từ quyết tâm chính trị to lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính.

Từ kết quả của phong trào thi đua và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Hải quan là tiền đề quan trọng để Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị 24/CT-TTg về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Phong trào thi đua những năm vừa qua của Tổng cục Hải quan cũng góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Thu ngân sách nhà nước vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đối với Tổng cục Hải quan nhằm góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ công tác đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt trong những năm gần đây khi nền kinh tế trong nước và thế giới luôn có nhiều biến động phức tạp, tác động một cách trực tiếp tới số thu của ngành Hải quan.

Ý thức được điều đó, những năm vừa qua, Tổng cục Hải quan một mặt đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu, mặt khác cũng luôn chú trọng công tác chống thất thu thông qua thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, các hành vi gian lận, trốn thuế. Cùng với đó, Tổng cục Hải quan luôn có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên kịp thời để mỗi cán bộ, công chức, mỗi đơn vị phải luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện tốt nhiệm vụ này. Việc phát động các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp tạo thêm động lực cho cán bộ, công chức hăng hái, phấn khởi trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Nếu năm 2012- lần đầu tiên sau nhiều năm, Tổng cục Hải quan không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới, thì bước vào năm 2013 với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và nỗ lực, quyết tâm to lớn của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức Tổng cục Hải quan thu ngân sách đạt hơn 221.400 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu dự toán được Quốc hội điều chỉnh hơn 5.400 tỷ đồng. Kết quả tích cực này tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong năm 2014- năm mà Tổng cục Hải quan được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu 224.000 tỷ đồng và kết thúc năm, Tổng cục Hải quan thu đạt 251.500 tỷ đồng, vượt 12,28% dự toán và tăng 13,58% so với năm 2013.

Để thực hiện tốt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2015, ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2015, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 217/CT-TCHQ về triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Chỉ thị nêu rõ, năm 2015, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá dầu thô liên tục giảm, tình hình kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình ấy tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước nói riêng của Tổng cục Hải quan. Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2015 (260.000 tỷ đồng) được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao tại Quyết định số 3043/QĐ-BTC ngày 28/11/2014, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách 275.000 tỷ đồng đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết Tổng cục Hải quan ngày 25/12/2014, bên cạnh các mục tiêu, giải pháp đặt ra, Tổng cục Hải quan tiếp tục chú trọng việc động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức thông qua các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị quan trọng này…

Có thể nói, các phong trào thi đua của Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện trong những năm qua luôn được lãnh đạo, cấp ủy Đảng và tổ chức đoàn thể của các đơn vị quan tâm, duy trì thường xuyên. Các phong trào đã góp phần khích lệ tinh thần của đội ngũ cán bộ, công chức phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, điển hình như: thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu được giao; phát hiện nhiều vụ vi phạm trong xuất nhập khẩu hàng hóa, qua đó truy thu thêm về ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, bắt giữ nhiều vụ án ma túy, hàng cấm với lượng tang vật lớn... Qua phong trào thi đua xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, có thể kể đến như: Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê Hải quan, Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Vụ Pháp chế, Cục Hải quan các tỉnh, thành: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh, Hà Nội, Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Bình, Tây Ninh…

Phong trào thi đua yêu nước là một truyền thống tốt đẹp xuyêt suốt trong chặng đường lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Hòa chung vào dòng chảy đó, đặc biệt trong năm 2015 với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của ngành Tài chính và Tổng cục Hải quan, mỗi cán bộ, công chức Hải quan luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình sẽ tiếp tục ra sức, đồng lòng, hăng hái thi đua lập thành tích thiết thực để chào mừng 70 thành lập ngành Tài chính, 70 năm thành lập Hải quan Việt Nam và chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước.