Công nghiệp: Mũi nhọn trong quá trình phục hồi kinh tế
Những số liệu từ đầu năm cho thấy công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ đang là mũi nhọn trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.
Dòng vốn nước ngoài vào công nghiệp chảy mạnh
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Bên cạnh đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 5/2022, Việt Nam thu hút được 34.898 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 426,14 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện lũy kế của các dự án đăng ký đạt 259,31 tỷ USD, bằng 60,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Cũng con số từ Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm 63% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng cao nhất với trên 252 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với trên 65,3 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với trên 36,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư.
Như vậy có thể thấy, vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số và bỏ xa các lĩnh vực hấp dẫn vốn ngoại thứ 2 và thứ 3 là bất động sản và sản xuất, phân phối điện.
Đáng chú ý, không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Honda, Toyota,… trong đó những tập đoàn này liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả.
Điển hình như Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, tập đoàn này chính thức nhận giấy phép đầu tư tại Việt Nam từ năm 2008 với nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại tỉnh Bắc Ninh, sau đó liên tục mở rộng đầu tư sang mộ số tỉnh, TP.Hà Nội, Thái Nguyên, TP.Hồ Chí Minh.
Tính đến năm 2022, số vốn đầu tư mà Samsung đầu tư vào Việt Nam đã lên tới con số khoảng 20 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam thu hút nhiều dự án FDI lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới. Đây là điều tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau 2 năm chùng xuống do dịch bệnh COVID-19.
Đột phá tăng trưởng ở nhiều địa phương
Trong lĩnh vực chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022, nhiều địa phương ghi nhận tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như Bắc Giang tăng 48,9%; Quảng Nam tăng 25,4%; Hà Giang tăng 23%; Bình Phước tăng 23,7%; Sơn La tăng 14,4%; Đắk Lắk tăng 10%; Bắc Ninh tăng 19,8%; Bạc Liêu tăng 8,9%...
Một địa phương có mức tăng trưởng mạnh và ổn định là Hải Dương, tính chung 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tại Hải Dương ước tăng 16,9% trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 19,3% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 20,7%, sản xuất máy móc thiết bị tăng 31,1% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chính đó là tổ máy phát điện tăng 28,9%; bơm nước một tầng tăng 33,3%; máy khâu loại khác trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình tăng 29,9%...
Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 13,5% so với cùng kỳ; trong đó sản phẩm xe có động cơ chở được từ 5 người tăng 70,4%; tăng cao do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ và việc Công ty TNHH Ford Việt Nam đưa nhà máy sản xuất dòng xe mới vào hoạt động từ tháng 6/2021.
Đưa ra giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, theo Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...
Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ôtô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...
Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và côn nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật.
Về mặt chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp thông tin, Cục Công nghiệp xác định tiếp tục tập trung triển khai 4 nhiệm vụ lớn. Trong đó khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp để báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2022, trình Quốc hội dự án Luật phát triển công nghiệp vào năm 2023.
Những con số ấn tượng công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022
- Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,97%; quý II tăng 9,87%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66% (quý I tăng 7,72%; quý II tăng 11,45%), đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số ngành trọng điểm tăng cao: Sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng tăng 11,2%. Có 61 địa phương có chỉ số IIP tăng, riêng tỉnh Hà Tĩnh và Trà Vinh giảm do ngành sản xuất điện giảm.
- Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%).
- Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2022 tăng 6,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 29,5%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78% (bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 92%).