CPI tháng đầu của năm 2023 tăng 0,52%
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng 0,52% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 01 tăng 4,89%; lạm phát cơ bản tháng 01/2023 tăng 5,21%.
Tổng cục Thống kê cho biết, so với tháng 12/2022, CPI tháng 01/2023 tăng 0,52%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá; 2 nhóm hàng giảm giá; riêng nhóm Bưu chính, viễn thông có giá ổn định so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82% so với tháng 12 năm 2022, tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm; Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,46%; Chỉ số giá nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62% do nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão...
Cùng với đó, chỉ số giá nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 01/2023 giảm 0,12%. Trong đó, giá gas giảm 4,69% do từ ngày 01/01/2023, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 14.000-23.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 52,5 USD/tấn; giá dầu hỏa giảm 2,12% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá vào ngày 01/01/2023, 03/01/2023 và 11/01/2023; giá điện sinh hoạt tăng 0,08% do nhu cầu dùng điện để sưởi ấm tăng khi thời tiết chuyển lạnh...
Về chỉ số giá vàng, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 20/01/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.885 USD/ounce, tăng 4,32% so với tháng 12/2022 do thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên khoảng 5-5,25% trong năm 2023 và sau đó sẽ được giảm dần. Đây là yếu tố khiến USD giảm và vàng tăng lên.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, đồng USD trên thị trường thế giới giảm trong bối cảnh lạm phát của Mỹ tháng 12/2022 tăng 6,5% so với cùng kỳ 2022. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.690 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 01/2023 giảm 2,05% so với tháng trước; tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 01/2023 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 5,21% so với cùng kỳ 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,89%).
Phân tích về nguyên nhân tăng, Tổng cục Thống kê cho rằng chủ yếu do lạm phát cơ bản từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 có mức tăng so với tháng trước cao hơn CPI chung do giá xăng dầu và giá dịch vụ giáo dục (yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong các tháng này) thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản tháng 01/2023 ở mức nền cao hơn CPI chung nên có mức tăng so với cùng kỳ 2022 cao hơn.