CPI tháng Tết: 2 đầu tàu đất nước tăng nhẹ
Theo quy luật, tình hình giá cả thị trường vào những tháng trước và sau Tết sẽ tăng. Năm nay, mức tăng không cao như một số năm trước, nhìn chung giá cả thị trường Tết ổn định, nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2016 của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có mức tăng lần lượt là 0,47% và 0,05% so với tháng trước.
Cụ thể: Theo Cục Thống kêTP. Hà Nội, CPI tháng 2 tăng 0,47% so với tháng trước và tăng 1,73% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số tăng cao (tăng 2,45% và tăng 2,76%).
Nhóm có chỉ số tăng cao thứ hai là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 1,12% và tăng 3,09%). Nguyên nhân khiến nhóm này tăng là do giá hoa tươi tăng cao vào những ngày giáp Tết, thêm vào đó do kỳ nghỉ Tết kéo dài nên nhu cầu du lịch của các gia đình tăng cao khiến cho giá các tua du lịch tăng từ 8%-10%.
Có 2 nhóm có chỉ số giảm so với tháng trước là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (giảm 0,62%) và nhóm giao thông (giảm 3,59%); Nguyên nhân khiến 2 nhóm này giảm là do giảm giá xăng, dầu hỏa và giá gas.
Đây là tháng tiêu dùng Tết, song do nguồn cung ổn định nên năm nay mức tăng không cao như một số năm trước, nhìn chung giá cả thị trường Tết ổn định, những ngày đầu năm không xẩy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá.
Tuy nhiên, các mặt hàng lương thực tăng nhẹ so tháng trước, do nhu cầu của người dân vào dịp Tết nên giá gạo ngon và gạo nếp tăng nhẹ.
Giá mặt hàng thực phẩmtăng 3,34% do các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết nguyên đán, như: thịt lợn, thịt bò, gia cầm và thủy hải sản tăng. Đặc biệt, góp phần làm nhóm thực phẩm tăng cao là còn do giá các loại rau tăng đột biến trong đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 01/2016 đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 500 ha diện tích trồng rau trên địa bàn TP. Hà Nội.
Rau lên chậm, dập nát, đặc biệt là các loại rau ăn lá nên sản lượng các loại rau giảm mạnh, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng rau xanh trong dịp Tết tăng cao nên khiến giá rau tăng mạnh, một số loại, như: bắp cải, su hào, cà chua, rau muống…tăng 50%-60%.
Tuy nhiên, CPI của Hà Nội tăng thấp trong tháng 2 là do nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có chỉ số giảm mạnh (giảm 0,62% so tháng trước) do giá dầu hỏa giảm mạnh. Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 19/01 và ngày 03/02 lại giảm tiếp và gần đây nhất giảm vào ngày 18/02.
Còn theo Cục Thống kêTP. Hồ Chí Minh, CPI tháng 02 so với tháng trước tăng nhẹ với mức 0,05%. Trong đó có 7 nhóm hàng tăng giá, tăng đáng kể có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn (+1,25%); hàng hóa và dịch vụ khác (+2,23%)
Ngoài ra, có 4 nhóm giảm giá: nhà ở điện nước chất đốt (-0,05%); thiết bị đồ dùng gia đình (-0,06%); bưu chính viễn thông (-0,78%); giao thông là nhóm giảm mạnh nhất (-4,52%).
Nhómthực phẩmcũng tăng nhẹ do ảnh hưởng từ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết với mức tăng so tháng trước 1,55%. Trong đó, các sản phẩm có mức tăng cao nhất như thủy sản tươi sống (+3,06%); thủy sản chế biến (+1,61%); rau các loại (+2,58%); trái cây các loại (+3,43%)...
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng nhẹ 0,79% so tháng trước tập trung ở hầu hết các nhóm mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, và các mặt hàng khác thuộc nhóm đồ uống không cồn, như: nước khoáng, nước giải khát có gas, nước quả ép…Giá cả nhóm hàng này tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng .
Trong khi đó, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm 0,05% so tháng trước. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng với nhóm vật liệu xây dựng ít và việc điều chỉnh giảm giá xăng từ đầu tháng 02/2016 làm cho giá gas bình quân trong tháng 02/2016 giảm 6,47% so tháng trước đã góp phần làm cho chỉ số nhóm nhà ở giảm theo.
Bị tác động mạnh nhất bởi việcgiá xăng dầu giảm mạnhlà nhóm giao thông, giảm 4,52% so tháng trước. Theo đó, giá cước xe taxi cũng được điều chỉnh giảm nhẹ trong tháng với mức giảm 500đ/km ở một số hãng, bên cạnh đó cước tàu hỏa, cước ô tô khách tăng mạnh với mức tăng lần lượt (+7,10% và 11,78%) do nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết âm lịch như mọi năm.
Ngoài ra, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,23% so tháng trước, tập trung vào nhóm dịch vụ phục vụ cá nhân, như: cắt tóc, uốn tóc, gội đầu, sơn sửa móng tay, các dịch vụ hiếu hỉ và một số mặt hàng đồ dùng cá nhân có nhu cầu cao dịp Tết.