Cơ hội để phát triển ở thị trường Úc
Muốn thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Úc, doanh nghiệp (DN) trong nước cần phải thay đổi cả về chiều sâu và bề rộng...
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may năm 2017 của khối CPTPP đạt trên 53 tỷ USD. Trong đó Úc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 với kim ngạch trên 6,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,67%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2017 vào khối CPTPP đạt trên 4,8 tỷ USD, chiếm 9,07% thị phần, nhưng tại thị trường Úc chỉ được 173 triệu USD (chiếm khoảng 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Úc).
Nhận định về xu hướng của thị trường Úc, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, hiện nay mặt hàng quần áo thể thao đang tăng trưởng mạnh nhất tại Úc. Các nhà bán lẻ thời trang quốc tế đang mở rộng thị trường bán lẻ tại đây trong năm 2016-2017 để tăng doanh thu. Và Việt Nam đang trở thành nhà cung ứng quan trọng tới thị trường Úc.
Chính vì thế, các chuyên gia nhận định Úc là thị trường rất tiềm năng cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, Úc sẽ giảm thuế nhập khẩu về 5% ngay trong năm đầu tiên và về 0% từ năm thứ tư kể từ ngày có hiệu lực đối với hầu hết sản phẩm may mặc thuộc nhóm HS 6203, HS 6204 và HS6206. Riêng đối với nhóm hàng thuộc mã HS 6205, mức thuế sẽ về 0% ngay từ năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu cơ bản đối với các sản phẩm may mặc thường từ 5-10%.
Tuy nhiên, muốn thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Úc, DN trong nước cần phải thay đổi cả về chiều sâu và bề rộng. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các DN dệt may Việt Nam cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về nhu cầu thị trường, văn hóa tiêu dùng, hệ thống phân phối, bán lẻ các sản phẩm may mặc của Úc. Song song với đó, cần đảm bảo ổn định về chất lượng, mẫu mã, giá cả cạnh tranh…
“Các DN phải mạnh dạn quảng bá sản phẩm của mình ở các hội chợ thương mại quốc tế để tìm cơ hội kết nối trực tiếp với khách hàng”, bà Mai chia sẻ.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng khuyến cáo các DN phải thực sự chú trọng tìm hiểu, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đưa ra những chiến lược hợp lý để chinh phục thị trường cũng như đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn đối với lĩnh vực dệt may theo các cam kết FTA.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay, CPTPP đã được 2 quốc gia là Mexico và Canada thông qua. Để đủ khả năng đáp ứng đòi hỏi trong môi trường mới, DN phải chuẩn bị thật tốt. Có như vậy, DN mới có thể phát huy những lợi ích từ CPTPP mang lại để tồn tại và phát triển cũng như tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.