Chuẩn bị nhân lực đón CPTPP
Hiệp định thương mại Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến từ nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức khi phần lớn nhân lực trong nước có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP” diễn ra tại Hà Nội chiều 5/4.
Chưa đáp ứng yêu cầu
Theo nhiều chuyên gia, nhân lực chất lượng cao đang là bài toán quá khó đối với các doanh nghiệp khi họ không thể tìm đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu của mình. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 cũng chỉ ra rằng, 69% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang vấp phải khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật có tay nghề.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cho rằng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến năng suất lao động thấp. Ông dẫn một nghiên cứu cuối năm 2017 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế và xã hội (KT-XH) quốc gia, theo đó, năng suất lao động bình quân hàng năm của doanh nghiệp ngoài nhà nước đứng ở vị trí thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2014 khi so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác.
Có tới 65% doanh nghiệp FDI phàn nàn những kỹ năng mà trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp đào tạo cho lao động không đáp ứng được nhu cầu của họ khiến họ phải tự đào tạo. Đây là yếu tố đáng lo ngại, ông Thắng nói, bởi nó cản trở khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung.
Đánh giá về tác động của CPTPP tới sự phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, TS. Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ, TB - XH) cho rằng CPTPP đang tạo ra cả cơ hội và thách thức.
Đó là cơ hội để phát triển giáo dục nghề nghiệp thông qua sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ hội học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thách thức lớn nhất của lao động Việt Nam là tính cạnh tranh trong khi mức độ sẵn sàng của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn chậm.
Cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước trên thế giới trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng đòi hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải thiện đáng kể theo hướng tiếp cận được chuẩn của khu vực và thế giới nhằm tăng cường khả năng công nhận văn bằng chứng chỉ giữa Việt Nam và các nước khác.
Quan tâm đào tạo nhân lực cấp cao
Các chuyên gia cho rằng, CPTPP chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhiều hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị vốn để đầu tư công nghệ mới, mở rộng sản xuất… Tiếp đến phải nâng cao hiệu quả sản xuất để không bị áp lực về lao động, nếu duy trì chiến lược sản xuất theo kiểu thâm dụng lao động, tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất sẽ không cạnh tranh được.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đề cập đến chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP phải nói tới cả sức ép nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lực tác động kép của hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Chủ tịch VCCI, cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng lao động chính là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Vai trò của doanh nghiệp trong cải cách đào tạo nguồn nhân lực rất quan trọng. Không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục, doanh nghiệp còn phải là chủ nhân, nhà đầu tư của hệ thống giáo dục.
Cần đổi mới quản lý nhà nước và đào tạo nghề thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nhà nước, TS. Lê Kim Dung đề xuất.
Theo đó, một trong những giải pháp là tăng cường tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo và tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho người lao động của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam GS. TSKH Nguyễn Mại, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam không phải là đáng báo động. Cụ thể là hơn 80% số sinh viên ra trường đã có việc làm ngay. Ngoài ra, một số mô hình trường dạy nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp cũng được thực hiện.
Có nhiều mô hình tốt đã được triển khai chỉ tiếc là thời gian triển khai chậm. Điều mà chất lượng nguồn lao động Việt Nam hiện nay đang thiếu, theo ông, chính là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao như giám đốc điều hành doanh nghiệp. Vì vậy, điều tiên quyết hiện này là cần phải quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực cấp cao này.