CPTPP: Thêm cơ hội cho gạo Việt
Xuất khẩu (XK) gạo đang có nhiều khởi sắc khi kim ngạch tăng trưởng mạnh trong quý đầu tiên của năm 2018. Cơ hội XK mặt hàng này còn lớn hơn trong thời gian tới khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính quý I/2018, XK gạo nước ta đạt hơn 1,2 triệu tấn với giá trị khoảng 700 triệu USD, tăng hơn 60% về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trước đó, phân tích về tình hình XK gạo những tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho rằng, tình hình XK gạo tương đối nhiều thuận lợi cả về lượng và giá trị. Gạo là 1 trong 3 mặt hàng thuộc nhóm nông sản có tăng trưởng XK dương ngay trong tháng 2 – thời điểm nước ta có kỳ nghỉ Tết tương đối dài. Kim ngạch XK tăng cao là điều đáng mừng, nhưng đáng mừng hơn cả là cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp giảm; phân khúc chất lượng cao tăng theo từng năm. Nhờ đó, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo XK của nước ta liên tục có sự tăng trưởng và hiện giữ mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, từ 50 – 100 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, việc chuyển dịch cơ cấu gạo XK từ phân khúc chất lượng thấp và trung bình sang phân khúc chất lượng cao là điều bắt buộc để phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay trên thế giới. CPTPP sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động này. Ông Lê Quốc Phương – nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại – phân tích, ngoài những thuận lợi thấy rõ về thuế, CPTPP cũng mang lại không ít thách thức khi rào cản phi thương mại từ các nước nhập khẩu ngày càng cao, đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm XK. Tuy nhiên, điều đáng mừng là sẽ giúp thu hút nguồn đầu tư nước ngoài không nhỏ để đón đầu những ưu đãi và thuận lợi của hiệp định. Đây chính là động lực giúp nâng cao chất lượng các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có lúa gạo.
Mới đây, trong buổi tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với ông Masayoshi Fujimoto – Chủ tịch Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), DN này cho biết, đang triển khai dự án sản xuất gạo đặc sản, chất lượng cao tại Việt Nam. Sự vào cuộc của Tập đoàn Sojitz hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội nâng cao chất lượng gạo XK, tăng kim ngạch XK mặt hàng này sang Nhật Bản và các thị trường khác…
Tại thị trường Australia, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia – chia sẻ, các quy định chặt chẽ về sở hữu trí tuệ, đầu tư trong CPTPP sẽ giúp thu hút, tăng đầu tư từ Australia vào Việt Nam. Đơn cử, SunRice – Tập đoàn lúa gạo lớn nhất của Australia – dự kiến đầu tư từ 100 – 200 triệu USD vào vùng nguyên liệu cũng như nghiên cứu và phát triển các giống gạo, cải tiến công nghệ, đầu tư vào xay xát, chế biến gạo, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng có nguồn gốc từ gạo. Việc đầu tư của SunRice sẽ giúp DN nước ta được tiếp cận được với cách làm nông nghiệp hiện đại, sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao. Chưa kể, với hệ thống phân phối rộng khắp của SunRice trên toàn thế giới, cơ hội tăng kim ngạch XK của gạo Việt Nam rất cao. Hiện nay, Tập đoàn SunRice đang nhập khẩu khoảng 50% gạo Japonica của Việt Nam để phân phối đi khắp thế giới.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), CPTPP sẽ giúp các doanh nghiệp XK gạo từng bước thâm hập và gia tăng XK vào thị trường các nước tham gia hiệp định có đòi hỏi chất lượng cao, an toàn như: Nhật Bản, Australia, New Zealand…