CPTPP và khả năng Mỹ trở lại
Dù Mỹ không tham gia CPTPP, nhưng với thị trường khoảng 500 triệu dân, với quy mô kinh tế của nhiều nền kinh tế trong CPTTP tương đối lớn, lợi ích đối với Việt Nam là rõ rệt.
11 nước trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thông qua thỏa thuận đổi tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nội dung của CPTPP về cơ bản là kế thừa nội dung TPP nhưng có một số nhóm nội dung đã được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.
Thứ nhất, nhóm nghĩa vụ được tạm hoãn thực thi. Sự tạm hoãn này mang hàm ý, nếu Mỹ trở lại với nội dung đã ký trong TPP, các nước sẽ chấp nhận các điều khoản này. Với 20 nhóm nghĩa vụ hoãn thực thi, phần quan trọng nhất là nhóm nghĩa vụ liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ, với 11 quy định phải điều chỉnh.
Có 2 lý do để các nước thống nhất tạm hoãn nhóm nghĩa vụ về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Một là, hầu hết các nội dung của nhóm này đều do Mỹ đề xuất. Hai là, việc thực thi các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải có nguồn lực kinh tế. Với TPP, dự kiến Mỹ sẽ mở cửa thị trường và tạo ra những lợi ích nhất định, buộc các nước phải thực hiện một số cam kết về sở hữu trí tuệ rất cao.
Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện xã hội, kinh tế khác nhau. Do đó, các nước trong CPTPP đã thống nhất giành sự chủ động cho các thành viên tiến hành sửa đổi những quy định để thực thi nhóm nội dung sở hữu trí tuệ với các bước phù hợp.
Có một số nghĩa vụ khác cũng phải điều chỉnh. Ví dụ, nghĩa vụ về khả năng nhà đầu tư kiện chính phủ. Quy định này buộc chính phủ trong một số trường hợp phải bồi thường nếu chứng minh vi phạm cam kết hợp đồng đầu tư. Mức độ nghĩa vụ này rất cao, các nước cần có thêm thời gian, nên thống nhất chưa thực thi nhóm nghĩa vụ này.
Như vậy, đối với 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn, trên một nửa cam kết thuộc sở hữu trí tuệ, phần còn lại chủ yếu là các nhóm nghĩa vụ mà Việt Nam đề nghị tạm hoãn thực thi với các nước trong CPTPP. Các nước thống nhất quan điểm, việc thực hiện các quy định này có tác động lớn đến việc kích thích môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng dù không còn quy định này, các nước vẫn chủ động tạo những biện pháp phù hợp với nội dung CPTPP nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ hai, một số thay đổi được điều chỉnh trong nghị định thư giữa các nước thành viên. Nhóm này liên quan đến những vấn đề các nước quan tâm. Chẳng hạn, có nước muốn thay đổi một số nội dung trong cam kết nhà đầu tư kiện chính phủ, nên phải có nghị định thư để điều chỉnh những nội dung đó.
Việt Nam đã đề nghị điều chỉnh một số nội dung so với TPP, như lao động, công đoàn. Nước ta muốn tăng quyền chủ động của các nước thành viên trong việc thực thi hiệp định một cách tích cực nhất. Ý kiến của Việt Nam đã nhận được sự nhất trí của các nước. Việc trao đổi này sẽ được thực hiện bằng các nghị định thư.
Một điểm đặc biệt trong CPTPP là nội dung cam kết mở cửa thị trường được giữ nguyên. Đây là một tiến bộ rất lớn trong bối cảnh xu hướng bảo hộ đang tăng lên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và việc bỏ ưu đãi lẫn nhau. CPTPP được khẳng định là hiệp định tiến bộ với các tiêu chuẩn cao, đặc biệt là việc mở cửa thị trường, các thành viên vẫn quyết tâm với cam kết hội nhập kinh tế thế giới.
Những quy tắc, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến hàng rào phi thuế quan, kiểm dịch thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại hay những cam kết về doanh nghiệp nhà nước, cam kết về minh bạch hóa trong mua sắm công, mua sắm chính phủ đều được duy trì như trong TPP. Các thành viên xác định, đây là động lực cải cách theo hướng tạo môi trường kinh doanh minh bạch dựa trên quy tắc thương mại quốc tế, để từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động kế hoạch phát triển.
Cũng bởi nội dung mở cửa thị trường được giữ nguyên so với TPP, nên tiêu chuẩn của CPTPP rất cao. Với thương mại hàng hóa, gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Đối với các nước phát triển, lộ trình này khoảng 7 năm, với các nước đang phát triển như Việt Nam, lộ trình dài hơn. Như vậy, về cơ bản, các nước sẽ giảm thuế về 0% đối với tất cả các mặt hàng.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang khối CPTPP với mức thuế trung bình khoảng 7%. Nếu mức thuế này được đưa về 0% sẽ có tác động trực tiếp đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Mỹ có khả năng sẽ gia nhập CPTPP nếu một số nội dung trong hiệp định thay đổi theo yêu cầu của họ. Nhưng các nước thành viên CPTPP cũng phải xem xét những điều kiện để Mỹ tham gia. Trường hợp Mỹ giữ nguyên những điều khoản đã thống nhất ở TPP thì hiệp định này sẽ có lợi không chỉ cho các thành viên, mà còn với chính nước Mỹ.