Cú hích để doanh nghiệp khoa học và công nghệ vươn tầm

Theo Hiền Lương/Báo Bình Phước

Phát triển doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng được Đảng ta xác định là nền tảng, động lực để đẩy mạnh công tác nghiên cứu KH&CN. Việc ứng dụng, chuyển giao, cải tiến công nghệ, trang thiết bị hiện đại để đẩy nhanh khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế thế giới và phát triển kinh tế tri thức.

Công nghệ biến chất thải nguy hại như vỏ xe cao su thành dầu FO-R và than hoạt tính của Công ty TNHH TM-DV Công Nghệ Mới. Ảnh: HL
Công nghệ biến chất thải nguy hại như vỏ xe cao su thành dầu FO-R và than hoạt tính của Công ty TNHH TM-DV Công Nghệ Mới. Ảnh: HL

Bình Phước hiện có 5.364 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 167 ngàn lao động, chiếm 39% lực lượng lao động trong toàn tỉnh. Cùng với việc phát triển về số lượng, nhiều doanh nghiệp đã xác định đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất là yêu cầu tất yếu nhằm thích ứng với thị trường và phát triển bền vững. Đây cũng được coi là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm tổn thất tài nguyên và ô nhiễm môi trường. 

Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Là một trong những đơn vị lâu năm, có nhiều nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chế tạo máy phục vụ sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH TM-DV Công Nghệ Mới, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành đã biến những chất thải nguy hại thành dầu FO-R và than hoạt tính nên khá thuận lợi khi chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN. 

Nguồn nguyên liệu sau khi được thu gom, phân loại, làm sạch, đưa vào máy băm, xé, sấy tách ẩm. Sau đó đưa vào hệ thống tái chế qua quy trình nhiệt phân khép kín và chưng cất tạo thành sản phẩm dầu. Nhiệt độ trong quá trình nhiệt phân luôn duy trì ổn định từ 3000C đến 6000C. Với 5 lò đốt, công suất 50 tấn nguyên liệu mỗi ngày, 1 năm công ty sản xuất được hơn 10 ngàn lít dầu FO-R, dùng làm nhiên liệu đốt trong lò hơi, lò sấy, lò tải nhiệt và 5.000 tấn than bán cho các nhà máy gạch tuynel. Hiện công nghệ này không chỉ được ứng dụng thành công tại các nhà máy ở Bình Phước mà được chuyển giao cho nhiều công ty trong cả nước. 

Với mong muốn đem đến người tiêu dùng sản phẩm sạch và đầy đủ dinh dưỡng, năm 2006, Công ty cổ phần Ong mật Bình Phước được thành lập. Công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền chiết rót sản phẩm hiện đại nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ nguyên sự tinh khiết của mật ong.

Ngoài những sản phẩm như: mật ong nguyên chất, phấn hoa, sữa ong chúa, sáp ong... năm 2017, công ty còn nghiên cứu và chế biến rượu mật ong lên men kết hợp với trái điều Bình Phước thành sản phẩm rượu Báo Gấm. Từ đây, công ty được Sở KH&CN tỉnh cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. 

Tháng 8/2019, công ty tiếp tục phối hợp Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương thực hiện công trình “Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số chế phẩm thực phẩm chức năng từ ấu trùng ong chúa và sữa ong chúa”. Đây là loại sản phẩm mới, chưa xuất hiện trên thị trường Việt Nam hiện nay.

Trung bình mỗi năm, công ty xuất khẩu hơn 500 tấn mật ong và tiêu thụ nội địa hơn 20 ngàn chai mật, đạt doanh thu 15 tỷ đồng. Nghiên cứu, đổi mới thiết bị công nghệ cho ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường là mục tiêu của Công ty cổ phần Ong mật Bình Phước. 

Ông Bùi Minh Hà - Giám đốc Công ty cổ phần Ong mật Bình Phước cho biết: Tôi hoạt động trong lĩnh vực ong mật là do đam mê. Vì vậy, tôi luôn cải tiến các sản phẩm theo hướng áp dụng công nghệ mới để đem đến người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất từ ong. 

Hướng đi mới cho cộng đồng doanh nghiệp

Bình Phước hiện có 6 doanh nghiệp KH&CN, hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo máy, thực phẩm, sinh hóa… đều có những quy trình, công nghệ, sản phẩm tiêu biểu và khẳng định vị thế trong sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.

Tuy con số còn khiêm tốn, nhưng đó là kết quả ban đầu của sự nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc thành lập hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động. Song, các doanh nghiệp cho biết, khi được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, ngoài những ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thì giá trị thương hiệu mà doanh nghiệp KH&CN mang lại có sự hỗ trợ rất lớn đối với việc thương mại hóa sản phẩm, phát triển doanh nghiệp.

Ông Đặng Hà Giang - Giám đốc Sở KH&CN cho biết, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn về thị trường, đầu vào doanh thu giảm. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp KH&CN hoạt động ổn định, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện các doanh nghiệp đang chuyển dần sang kinh doanh trên nền tảng số. Cái khó của các doanh nghiệp là việc mở rộng thị trường vẫn còn hạn chế.  

Hiện nay, tuy thực tế triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc phát triển thành doanh nghiệp KH&CN. Để phát triển doanh nghiệp KH&CN, đòi hỏi sự tham gia tích cực từ nhiều phía: Sự quan tâm của doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, xem đó là yếu tố cốt lõi để phát triển sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động KH&CN của mình. Các ngành cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn doanh nghiệp KH&CN tiếp cận và được hưởng các ưu đãi theo quy định.