Cú sốc khí đốt mới từ Nga và những tác động mạnh mẽ lên kinh tế, xã hội châu Âu
Ngay sau động thái mới nhất từ phía Nga, giá khí đốt tại khu vực châu Âu tăng 12% lên 179 euro tức tương đương khoảng 183USD/megawatt giờ.
Nga công bố sẽ tiếp tục giảm hơn nữa nguồn cung khí đốt sang châu Âu trong tuần này, như vậy Nga chuẩn bị sẵn sàng cho việc leo thang cuộc chiến kinh tế với phương Tây. Thực tế này cũng đặt ra những câu hỏi về khả năng của châu Âu trong việc cố gắng ngăn việc nhiều nhà máy phải đóng cửa, các hộ gia đình không có khả năng sưởi ấm trong mùa đông năm nay.
Theo Wall Street Journal, doanh nghiệp năng lượng nhà nước Nga Gazprom PJSC công bố khối lượng xuất khẩu khí đốt thông qua hệ thống đường ống Nord Stream sang Đức sẽ giảm xuống còn khoảng bằng 1/5 công suất thực của hệ thống này.
Nguyên nhân chính của quyết định mới nhất, theo lý giải từ phía Nga, là do những vấn đề liên quan đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến cho Nga không tiếp cận được với tuabin cần thiết cho việc vận hành đường ông như bình thường.
Trước quyết định mới nhất, hệ thống đường ống Nord Stream vận hành với khoảng 40% công suất, và hiện tại chỉ còn 20% công suất bình thường. Gazprom thông báo quyết định mới nhất sẽ có hiệu lực ngay từ ngày thứ Tư.
Ngay sau động thái mới nhất từ phía Nga, giá khí đốt tại khu vực châu Âu tăng 12% lên 179 euro tức tương đương khoảng 183USD/megawatt giờ. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá khí đốt tại khu vực châu Âu đã tăng hơn gấp đôi, các chuyên gia phân tích nhận định giá khí đốt sẽ còn tăng cao hơn nữa khi mùa đông đến gần.
Như vậy nỗi lo lạm phát hiện vốn đang ám ảnh nền kinh tế sẽ còn trở nên ngày một tồi tệ hơn nữa, gây sức ép lớn lên chính phủ và các thị trường tài chính trong khu vực.
Theo các quan chức châu Âu và chuyên gia phân tích, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang biến khí đốt thành một thứ “vũ khí” để trả đũa phương Tây do áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, đồng thời phía Nga cũng đang muốn làm yếu đi sự hỗ trợ mà phương Tây dành cho Ukraine trên cả lĩnh vực quân sự và tài chính.
Bằng việc duy trì cung cấp khí đốt, Moscow đang khiến châu Âu “đau đầu” trong việc tính toán và tối đa hóa đối trọng mà châu lục này có trong việc đảm bảo an ninh năng lượng để giảm áp lực chính trị.
“Nga đang chơi trò chơi chiến lược. Việc điều chỉnh giảm hơn nữa nguồn cung khí đốt hiện vốn ở mức thấp tốt hơn việc cắt hoàn toàn nguồn cung bởi nó tạo điều kiện hơn nữa cho việc thao túng thị trường và tối đa hóa các tác động chính trị”, chiến lược gia cao cấp tại viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels – ông Simone Tagliapietra phân tích.
Nhiều quan chức chính phủ và đại diện doanh nghiệp châu Âu khẳng định Nga đang sử dụng “lá bài” turbine như một cách bao biện cho cái mà Berlin gọi là “tấn công” kinh tế. Hệ thống đường ống Nord Stream có một hệ thống vận hành tích hợp và luôn có turbine dự phòng. Chính vì vậy, Bộ Kinh tế Đức khẳng định rằng không có lý do kỹ thuật nào đằng sau việc giảm nguồn cung khí đốt sang Nga.
Thư ký báo chí điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, trong khi đó đã bác bỏ những cáo buộc rằng Gazprom đã sử dụng nguồn cung khí đốt nhằm ngành lợi thế chính trị: “Nga là một nhà cung cấp khí đốt có trách nhiệm”.
Việc Nga giảm cung cấp khí đốt khiến cho nỗ lực của châu Âu trong việc huy động đủ nguồn cung khí đốt cho mùa đông năm nay trở nên khó khăn hơn. Khi mà không có đủ nguồn cung khí đốt trong những tháng mùa đông nhu cầu tăng nóng, chính phủ nhiều nước cho biết nhiều khả năng họ sẽ phải tìm kiếm nguồn cung năng lượng khác và nền kinh tế châu Âu vốn đã mong manh sẽ có thể rơi vào suy thoái.
Cơ quan quản lý ngành năng lượng liên bang Đức công bố Đức sẽ chật vật trong việc thực hiện đủ mục tiêu dự trữ khí đốt khi hệ thống đường ống NordStream vận hành ở công suất 40%. Với mức 20% như mới công bố, Đức sẽ còn gặp nhiều khó khăn về khí đốt hơn nữa.
Berlin đã phải tính đến kế hoạch ưu tiên khí đốt cho người tiêu dùng, các bệnh viện và nhiều lĩnh vực thiết yếu khác, đồng thời giảm sử dụng khí đốt tại nhiều ngành nghề. Đối với nhiều doanh nghiệp trong những lĩnh vực vốn có phụ thuộc vào khí đốt ví như ngành hóa học, các ngành này có thể sẽ phải ngừng việc sản xuất, nhiều người sẽ có thể mất việc làm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề.