"Cuộc chiến" khí đốt giữa Nga - EU: Nâng tầm kinh tế chiến, tâm lý chiến
Nga lại tiếp tục làm cho EU không biết đâu mà lần với chủ định của Nga về cung ứng khí đốt cho các nước thành viên EU.
Tác động tâm lý to lớn
Thoả thuận ký kết giữa hai bên về việc Nga cung ứng khí đốt cho các nước thành viên EU vẫn có hiệu lực trên danh nghĩa, nhưng thực tế không còn được thực hiện đầy đủ nữa. Lý do là chiến sự Nga - Ukraina.
Trong bối cảnh tình hình như thế, không có gì là khó hiểu khi Nga sử dụng mọi con bài có trong tay để đối phó EU, mà cung ứng khí đốt nói riêng và cung ứng năng lượng nói chung (bao gồm cả cung ứng dầu lửa và than đá) cho EU chỉ là một trong số các con át chủ bài được đưa ra.
Nhưng con át chủ bài này đã đưa lại hiệu ứng rất đặc biệt cho Nga bởi ngoài tác động kinh tế và thương mại, nó còn có tác động tâm lý rất to lớn và quan trọng đối với Nga trong cuộc đối đầu với EU. Cung ứng khí đốt đã trở thành cuộc chiến tranh kinh tế và tâm lý giữa hai bên.
Vì chuyện chiến sự ở Ukraina mà chính phủ Đức ngăn trở việc đưa tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đi vào hoạt động. EU đang tìm mọi cách và đã có kế hoạch cụ thể nhằm chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga. Do đó, nhiều khả năng Nord Stream 2 dẫu đã được xây dựng xong, tiêu tốn hơn 10 tỷ euro nhưng sẽ không bao giờ được sử dụng.
Nga đã giảm mức độ cung ứng khí đốt cho EU thông qua tuyến đường ống Nord Stream 1 xuống còn 40% so với trước. Lý do được phía Nga đưa ra làm phải bảo trì hệ thống, đặc biệt những máy bơm do hãng Siemens (Đức) sản xuất và được bảo trì ở Canada. Phía Canada lúc đầu không cho phép chuyển máy bơm đã được bảo trì cho Nga với lý do thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga. Sau đó, Canada chịu chuyển máy bơm này cho Đức để chuyển tiếp cho Nga.
Sự thấp nhỏm của EU
Giờ đây, EU luôn ở trong tình trạng thấp thỏm về những bước đi tiếp theo của Nga. Những câu hỏi liên tục được đặt ra như: Nga còn tiếp tục cung ứng khí đốt nữa không, nếu có thì với mức độ bao nhiêu hoặc nếu không thì với lý do nào.
EU cho rằng Nga vẫn sẽ tiếp tục cung ứng khí đốt bởi xuất khẩu khí đốt cho EU vẫn là nguồn thu nhập lớn của Nga, trong bối cảnh Nga đang cần tiền để tiếp tục duy trì chiến sự ở Ukraina, đồng thời Nga không muốn bị mang tiếng là vi phạm những cam kết và thoả thuận quốc tế đã ký kết. Nhưng EU lại không thể hoàn toàn tin tưởng vào Nga và luôn lo ngại về khả năng Nga gia tăng mức độ chiến tranh khí đốt với EU.
Uỷ ban Châu Âu đã đưa ra chủ trương ép buộc tất cả các thành viên giảm ngay 15% mức độ sử dụng khí đốt để vừa bớt nhập khẩu khí đốt từ Nga vừa tăng cường dự trữ khí đốt chuẩn bị cho tiêu dùng trong mùa đông tới.
Thế nhưng, chủ định này của Uỷ ban Châu Âu lại gây bất đồng quan điểm giữa các thành viên EU bởi mỗi thành viên có cơ cấu sử dụng khí đốt khác nhau và mức độ lệ thuộc khác nhau vào cung ứng khí đốt từ Nga. Ngoài ra, mỗi thành viên lại còn có cách thức tiết kiệm sử dụng khí đốt khác nhau.
Vì thế, càng hiểu biết mập mờ về chủ định thật sự của Nga về cung ứng khí đốt cho EU thì EU nói chung và các thành viên EU nói riêng càng khó xử và càng thêm bị động trong việc đối phó, thậm chí khó đoàn kết, thống nhất nội bộ để cùng đối địch Nga.