Cử tri kiến nghị tăng thuế cao với túi nilon
Gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh, hiện nay tất cả các loại rác thải từ túi nhựa qua sử dụng thải ra môi trường gây ô nhiễm. Do đó, cử tri kiến nghị tăng thuế cao đối với túi nhựa để hạn chế sử dụng, khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương, Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế Bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 quy định, túi nilon thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp.
Căn cứ vào Biểu khung thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc: Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.
Theo quy định tại Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14/9/2012 của Chính phủ, đối với túi nilon thuộc diện chịu thuế (túi nhựa) là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó) được làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nilon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Như vậy, Luật thuế Bảo vệ môi trường hiện hành đã quy định túi nilon thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường. Luật quy định khung mức thuế và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể. túi nilon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường không thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường.
Ngày 26/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019. Nghị quyết đã điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon thuộc diện chịu thuế từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg (là mức trần trong khung thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường).
Theo Bộ Tài chính, việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường cao đối với túi nilon thuộc diện chịu thuế là phù hợp với thông lệ quốc tế (hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon). Đồng thời, biện pháp này cùng với các biện pháp quản lý khác sẽ góp phần hạn chế việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, khuyến khích việc sản xuất và sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường.
Để tăng khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon thuộc diện chịu thuế làm cơ sở điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể thì cần thực hiện sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường hiện hành. Theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 thì dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường đã được đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội.
Do đó, Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Bình Dương và sẽ nghiên cứu, đề xuất về vấn đề này khi nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật thuế Bảo vệ môi trường.